(kontumtv.vn) – Trước tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại trong quá trình trồng lúa nước, hàng chục hộ dân ở Xã Đăk Xú (Ngọc Hồi, Kon Tum) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu ở những chân ruộng thiếu nước. Nhờ khâu xử lý đất hiệu quả và lựa chọn giống trồng phù hợp nên bà con trồng rau màu đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định.  

Trước đây, gần 5 sào đất gia đình ông Vũ Văn Tư (thôn Ngọc Yên, xã Đăk Xú) trồng lúa nước một năm 2 vụ. Tuy nhiên, đến năm 2012 tình trạng thiếu nước bắt đầu diễn ra, trồng lúa vụ đông xuân thường xuyên bị khô hạn, năng suất thấp, có khi bị mất trắng, nên  năm 2014 ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau màu. Theo ông Tư, từ trồng lúa nước chuyển sang trồng rau màu khâu quan trọng nhất là xử lý đất: “Cày đất lên rồi thì xử lý bằng vôi bột rồi nấm đối kháng Tricoxetma, những thứ đó thì vôi bột là để khử trùng, tiêu diệt được mầm bệnh, nấm đối kháng Tricoxetma để tiêu diệt những mầm bệnh khác, nếu có điều kiện phơi được đất là tốt nhất, phơi và cày đi cày lại. Như ở khu vực này chưa bao giờ có đủ nước để làm cả, buột bà con ở đây phải chuyển đổi từ lúa nước sang cây trồng cạn, chủ yếu là rau màu. Cây rau màu chuyển đổi qua thì thu nhập còn cao hơn làm cây lúa nước, chính vì vậy mà khu vực này phát triển rất nhiều, trong đó có gia đình tôi”.

Chuyển đổi trồng rau màu ở cã Đak Xú
Chuyển đổi trồng rau màu ở xã Đăk Xú

Trên 2 sào ruộng chuyên trồng lúa nước, khi chuyển sang trồng rau màu, ngoài việc tập trung xử lý đất trồng, anh Nguyễn Trung Tính (thôn Ngọc Yên, xã Đăk Xú) còn chú trọng luân phiên trồng các loại rau màu khác nhau để phòng tránh dịch bệnh. Nhờ đó, sau 3 năm trồng rau màu, giờ đây anh Tính đã có nguồn thu nhập ổn định trên diện tích này. Anh Tính nói: “ Khi  làm rau màu này thì thứ nhất là khâu xử lý đất. Cái cơ bản là phải luân canh, khu đất này bữa nay trồng cây nọ thì lần sau phải trồng cây khác, trồng một cây sẽ không cho kết quả mà chỉ có dịch bệnh. Nếu trồng rau so với trồng lúa thì hiệu quả trồng rau cao hơn nhiều”.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi có gần 40 hộ dân chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng rau màu với diện tích trên 30 ha. Ông Đào Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú cho biết: “Để chuyển đổi từ cây lúa sang cây hoa màu, UBND xã đã cử cán bộ nông nghiệp xuống cánh đồng rà soát những diện tích không đủ nước trồng lúa có hướng chuyển sang trồng rau màu. Bên cạnh đó phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Bảo vệ thực vật huyện xuống hướng dẫn để bà con chuyển đổi trồng rau gì, hoa màu gì để đảm bảo đúng với kỹ thuật cũng như đảm bảo sinh trưởng cho cây, tạo năng suất cao”.

Với kinh nghiệm của bà con nông dân ở đây, khi mới chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu nên chọn các loại rau màu dễ trồng, ít dịch bệnh để tránh thiệt hại trong sản xuất. Ông Vũ Văn Tư (thôn Ngọc Yên, xã Đăk Xú) nói: “Rau màu thì có rất nhiều, thế nhưng riêng tôi thì tôi trồng loại cây ít có sâu bệnh, như cây rau ngót chẳng hạn, hoặc cây hành, cây ngò, đó là những thứ không có sâu ăn hoặc là những loại rau thơm là nó có tinh dầu, sâu bệnh không tấn công, nên tôi làm rau màu hầu như là rau an toàn hết chứ không phải phun thuốc”.

Trong hàng hóa nông sản, rau màu là mặt hàng dễ tiêu thụ, thị trường ổn định, nhờ đó  bà con nông dân ở xã Đăk Xú yên tâm sản xuất, từng bước hình thành vùng chuyên canh rau màu ở những cánh đồng thường xuyên bị khô hạn.

                                                                   Thanh Tùng – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *