(kontumtv.vn) – Chọn và gắn bó với nghề chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, 14 năm nay, chị Đặng Thị Bích Hường, bảo mẫu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum luôn dành tâm huyết và tình yêu thương chăm sóc những cháu nhỏ kém may mắn, coi các cháu như người thân trong gia đình mình.

Năm 2002, chị Đặng Thị Bích Hường vào công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, với công việc cấp dưỡng. Sau đó, chị xin chuyển sang làm bảo mẫu để được gần gũi, chăm sóc các em nhỏ bị khuyết tật. Gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu thành lập, tuy nhiên chị Hường lại không được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ ngay từ đầu, nên công việc vốn đã vất vả, lại càng khó khăn hơn. Chị Hường chia sẻ: “Khi mới vào Trung tâm, nhìn thấy các cháu khuyết tật, mình cũng lo lắng, không biết về cái ngôn ngữ, rồi các cháu người DTTS nữa, mình cũng chưa am hiểu. Các cô lo lắng không biết là mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không. Dần dần mình gần gũi các cháu, tìm hiểu tiếng nói, cách sinh hoạt để mình làm quen, rồi bắt đầu các cháu thân thiện với các cô”.

Chị Đặng Thị Bích Hường chăm sóc trẻ em khuyết tật
Chị Đặng Thị Bích Hường chăm sóc trẻ khuyết tật

Được sự hỗ trợ của Trung tâm, năm 2007 chị Hường theo học lớp Trung cấp Công tác xã hội, chuyên ngành Chăm sóc người khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Sau 2 năm, chị hoàn thành khóa học, trở về tiếp tục gắn bó với Trung tâm và các cháu nhỏ. Vượt qua mọi khó khăn, chị đã chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, xem các cháu như con, đồng cảm chia sẻ với các cháu như  một người mẹ hiền. Chị Hường kể: “Trong công việc cũng có rất nhiều khó khăn, ngày xưa mới về đây cũng vất vả lắm, nguồn nước thì không có, mà các cháu thì bò lê bò lết, các cô cũng phải vất vả, đêm hôm cứ ra xách nước ở ngoài mương về lau nhà. Vất vả lắm, nhưng mình vì tình thương các cháu, các cháu cũng thiệt thòi nhiều cái rồi, mình không có tiền, mình  giúp cho các cháu về mặt tinh thần, chủ yếu là mình gần gũi, thương yêu các cháu để động viên được một phần nào đó”.

Hiện chị Hường cùng các đồng nghiệp đang nuôi dưỡng 60 trẻ bị khuyết tật nhiều dạng, trong đó gần 10 em nằm một chỗ. Với tấm lòng của một người mẹ, ngoài việc lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, chị Hường còn hướng dẫn các em tự làm những công việc cá nhân hàng ngày, chỉ bảo, uốn nắn kĩ năng sống cho các em. Chị còn rất năng nổ, tham gia tích cực các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và giúp đỡ nhiệt tình các đồng nghiệp trẻ. Em Y Hạnh, trẻ khuyết tật ở Trung tâm  nói; “Cô Hường rất tốt, cô dạy con múa hát, con rất là yêu cô”.

“Chị Hường là người rất nhiệt tình, chăm sóc các cháu rất tận tình, chu đáo, không nề hà khó khăn gì cả. Kể cả các cháu đặc biệt, các cháu nằm một chỗ thì chị cũng theo dõi chế độ ăn của từng trẻ một, còn các cháu khó khăn về vận động  thì chị  tham mưu cho các phòng ban, bên phòng y tế để vật lý trị liệu cho các cháu”.Chị Đặng Thị Hoài Thương, bảo mẫu Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhận xét.

Bà Phạm Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thì ghi nhận: “Cô Hường là một trong những cán bộ lâu năm của đơn vị, là một bảo mẫu mẫu mực, không nề hà, bỏ hết tâm huyết cuả mình để chăm sóc, đỡ đần các cháu. Đặc biệt bản thân cô Hường cũng đã có những sáng kiến phối hợp giữa kiến thức mình đã học và thực tế, giúp cho các cháu rất dễ dàng trong những việc nhỏ nhất như mặc quần áo, cho các cháu đi vệ sinh. Thậm chí những lúc các cháu đau ốm không ăn được, cháu bỏ ăn, đau như thế nào, đau vì bệnh gì, thì hầu như cô Hường cũng cảm nhận và biết được, đề xuất lên lãnh đạo cũng như cán bộ  y tế để kịp thời chăm sóc và điều trị cho các cháu”.

Với lòng nhiệt huyết, sự tận tâm, tận tụy, không ngừng nỗ lực, kiên trì phấn đấu, nhiều năm qua chị Đặng Thị Bích Hường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác; được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen. Chị luôn được các cháu nhỏ và đồng nghiệp, cũng như lãnh đạo Trung tâm yêu quý, kính trọng; là tấm gương, động lực để các bảo mẫu, cô nuôi trong Trung tâm noi theo, gắn bó với nghề.

                                                   Thanh Thủy – Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *