(kontumtv.vn) – Sinh ra trong một gia đình khó khăn, lại mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, nhưng bằng niềm đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ, Võ Thanh Thảo (sinh năm 1993, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) đã thực hiện ước mơ làm nghệ thuật của mình bằng chính những hạt gạo quê hương.

Căn bệnh xương thủy tinh khiến Thanh Thảo dù đã 23 tuổi nhưng chỉ cao 1m17 và nặng 28 kg. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ nhỏ bé, yếu ớt là cả nghị lực phi thường của cô gái trẻ. Đam mê nghệ thuật từ khi còn nhỏ, lại có khiếu hội họa, nên khi được giới thiệu đến làm việc ở phòng tranh gạo Làng Hồ (đường Bắc Cạn, thành phố Kon Tum), Thanh Thảo đã sớm bộc lộ khả năng của mình. Võ Thanh Thảo chia sẻ: “Em cảm thấy sức khỏe của mình không tốt để làm việc, giúp đỡ cho gia đình. Em có niềm đam mê với hội họa, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, em đã được làm việc ở phòng tranh gạo Làng Hồ để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”.

Võ Thanh Thảo say mê vẽ tranh gạo
Võ Thanh Thảo say mê vẽ tranh gạo

Qua 3 tháng, được chị Kiều, chủ phòng tranh gạo Làng Hồ chỉ dạy tận tình, Thanh Thảo không chỉ cơ bản nắm bắt kỹ thuật làm tranh gạo, mà hơn thế, cô gái xương thủy tinh còn thổi  được “cái hồn” vào từng tác phẩm của mình. Sau 3 năm làm việc chăm chỉ và không ngừng học hỏi, hiện tại, Thanh Thảo là học viên có tay nghề vững nhất của phòng tranh. Cô có thể tự vẽ nhiều loại tranh khác nhau như tranh chân dung, tranh phong cảnh, nhất là những bức tranh mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên và thuần thục đưa gạo vào tranh khá sắc sảo, tinh tế. Đặc biệt, để đa dạng thể loại tranh, Thảo còn mày mò tìm hiểu và sáng tạo thêm nghệ thuật tranh đá. Chị Đặng Thị Kiều, chủ phòng tranh gạo Làng Hồ nhận xét: “Trong quá trình học và làm việc, em Thảo rất thật thà và có trách nhiệm với công việc. Chị giao cho cái gì thì em làm rất hết mình, nên mình rất tin tưởng Thảo. Tranh của Thảo làm có hồn và sâu sắc hơn xưa rất nhiều, mình cảm thấy em rất yêu đời và  mạnh mẽ hơn ngày xưa rất nhiều, có thể nói là lột xác hoàn toàn. Là một người thầy đào tạo cho cô bé xương thủy tinh có hoàn cảnh đặc biệt như vậy thì mình rất hạnh phúc”.

Thật thà lại ham học hỏi, hiện tại Thanh Thảo đã được giao trực tiếp quản lý phòng tranh Làng Hồ. Không còn rụt rè hay mặc cảm như trước, giờ đây Thảo rất nhanh nhẹn trong giao tiếp, tự tin khi giới thiệu sản phẩm tranh gạo cho khách đến tham quan. Thanh Thảo còn là “cô giáo nhỏ” giúp đỡ, truyền nghề cho 8 em có hoàn cảnh khó khăn, đam mê với nghề tranh gạo, trong đó có những em là người DTTS. Em Y Chang, học trò của Thảo  nói: “Mới vào phòng tranh thì em rất sợ, sợ mình không làm được. Rồi em gặp và được chị Thảo bày cho em cách làm tranh. Chị Thảo dạy rất tận tình nên em mới có thể làm tranh. Đầu tiên chị dạy em cách đi màu, phối màu cho đẹp, cách đi gạo rất là thẳng. Em thấy chị Thảo là một người khuyết tật mà làm được như vậy em rất khâm phục và ngưỡng mộ chị, sau này em cũng muốn làm được như chị Thảo”.

Nhìn Thanh Thảo ngồi say sưa, tỉ mỉ đính từng hạt gạo vào tranh mới hiểu hết được sự cố gắng và niềm đam mê nghệ thuật của cô gái nhỏ. Vượt lên bệnh tật và khó khăn trong cuộc sống, giờ đây Thanh Thảo có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, cũng như giúp đỡ phần nào cho gia đình, khiến ai cũng khâm phục.

Với những cố gắng không mệt mỏi của bản thân, năm 2015 Thanh Thảo vinh dự nhận bằng khen của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum và bằng khen “Cho ngày mai tươi sáng” của phường Nguyễn Trãi. Nghị lực, bản lĩnh của cô gái xương thủy tinh ngày càng được khẳng định trong công việc và cuộc sống là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

                                                                           Cao Thủy – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *