(kontumtv.vn) – Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thời gian tới sẽ mở rộng triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội theo đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Tuy nhiên, do đặc điểm của nhóm đối tượng an sinh xã hội, việc triển khai chi trả cho nhóm đối tượng này phải có lộ trình phù hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên bưu điện lấy thông tin, cấp phát thẻ chi trả điện tử thay thế cho phiếu lĩnh lương hưu, trợ cấp xã hội cho người hưởng. Ảnh: TTXVN.

Theo Bưu điện Việt Nam, các phương án chi trả trợ cấp cho các đối tượng thuộc nhóm Bảo trợ xã hội (BTXH), Người có công (NCC) với Cách mạng không dùng tiền mặt đẫ được lên phương án. Hiện nay, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức gần 2.830 điểm chi trả trợ cấp tại các cấp xã, phường trên cả nước, cho nhóm đối tượng BTXH (61/63 tỉnh); NCC (56/63 tỉnh). Hầu hết các đối tượng thuộc nhóm này là người già, người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội,… đa số những người này đều hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, không đáp ứng được các điều kiện để mở và sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng. Bên cạnh đó, là những khó khăn về khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền; chi phí sử dụng tài khoản chưa phù hợp và các kỹ năng thao tác của người sử dụng Smartphone.

Hiểu được những khó khăn và rào cản của những đối tượng nhận trợ cấp, cùng với mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kết nối CSDL dân cư, cải cách thủ tục hành chính; Bao phủ được toàn bộ người hưởng trợ cấp với các đặc thù khác nhau (người cao tuổi, khuyết tật, thương binh,…) mang lại sự hài lòng cho người hưởng, đại diện Bưu điện Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Bưu điện sẽ hợp tác với ngân hàng hướng dẫn mở tài khoản cho người hưởng; Phục vụ rút tiền, chi trả trợ cấp ngay tại điểm chi trả xã, phường, địa chỉ người hưởng; Chi trả điện tử qua mã thẻ QRCode để phục vụ các đối tượng không có tài khoản ngân hàng (do không đủ điều kiện, không có Smartphone); Mô hình kết nối các hệ thống CNTT hình thành hệ thống chi trả cho đối tượng qua tài khoản thanh toán, ví điện tử, chi trả điện tử;…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, vừa qua, Bưu điện Việt Nam đã thí điểm triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội tại một số tỉnh: tại Thừa Thiên Huế với 10.125 tài khoản thanh toán, đạt tỷ lệ phủ lên đến 64,3%; tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng đang tiến hành thí điểm chi trả trợ cấp BTXH với hơn 2000 tài khoản thanh toán. Qua đó, Bưu điện đã hợp tác được với ngân hàng Viettinbank, Seabank để đem lại nhiều lợi ích nhất cho người hưởng trợ cấp bằng việc miễn duy trì số dư …

Liên quan đến cách thức nhận tiền của các đối tượng được hưởng trợ cấp, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục BTXH cho rằng, để đạt được mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, cần phải tìm được giải pháp hợp lý giúp các đối tượng có thể nhận được tiền mặt khi tiền về tài khoản, vì phần lớn các đối tượng được hưởng trợ cấp là những người yếu thế và phân bố đông ở vùng miền núi, không có nhiều các cây ATM, họ cũng cần nhanh chóng nhận số tiền đó để chi tiêu lập tức. Đại diện Cục BTXH kiến nghị, cần phải có mô hình chi trả tập chung dùng nhiều cách thức để sau khi tiền về tài khoản, các đối tượng có thể nhanh chóng nhận được tiền mặt để mua sắm những đồ dùng thiết yếu.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, hiện tại mô hình chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với những đối tượng an sinh xã hội đã bắt đầu đem lại hiệu quả tại các địa phương thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, với những khó khăn đặc thù của nhóm đối tượng BTXH và NCC cùng điều kiện thực tế về địa bàn vùng miền tại nơi sinh sống của những đối tượng được hưởng trợ cấp thì những phương án đã đưa ra là chưa phù hợp với thời điểm hiện tại. Để triển khai thành công nhiệm vụ chi trả trợ cấp cho nhóm đối tượng an sinh xã hội cần sự phối hợp chặt chẽ, của các đơn vị liên quan, qua đó, đưa ra lộ trình phát triển phù hợp.

“Các đơn vị thực hiện việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt phải tính toán kĩ lưỡng và thống nhất kế hoạch để đưa ra hướng triển khai phù hợp, ưu tiên giải quyết những đối tượng đã đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Cùng với đó, nhanh chóng kết nối dữ liệu thông tin các đối tượng với hệ thống CSDL quốc gia dân cư, để xác thực định danh chính xác, tránh nhầm lẫn thông tin các đối tượng. Đảm bảo việc chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng BTXH, NCC trên CSDL quốc gia dân cư đúng, đủ, kịp thời và chính xác”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan giao Trung tâm Thông tin sẽ làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu các phương án chi trả trợ cấp cho các đối đối tượng BTXH và NCC không dùng tiền mặt trên cơ sở các phương án chi trả trợ cấp mà Bưu điện Việt Nam đã đề xuất.

Bưu điện Việt Nam sớm hoàn thiện phương án triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, trình Bộ LĐTBXH, qua đó, Bộ sẽ lấy ý kiến các cơ quan liên quan để báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng triển khai việc chi trả cho đối tượng cũng không dùng tiền mặt.

XM/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *