(kontumtv.vn) – Một cử tri ở Hà Nội cho rằng phải là người có năng lực, có trình độ đích thực thì hãy vào Quốc hội.

Về công tác chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, cử tri cho rằng, việc nâng cao số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu và hiệu quả hoạt động của đại biểu trong việc tiếp xúc cử tri, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội  mới là đòi hỏi đáp ứng nguyện vọng của cử tri. 

Đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc xây dựng pháp luật cũng như tiến hành các hoạt động giám sát. Các kì họp của Quốc hội có sôi động, chất lượng và hiệu quả hay không là tùy thuộc vào đại biểu. Theo đó, đại biểu Quốc hội phải là người tận tụy, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phải thực sự có tư duy phản biện độc lập, có năng lực nhất định trong công tác lập pháp và giám sát.

co nang luc, co trinh do dich thuc thi hay vao quoc hoi hinh 0
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (Ảnh minh họa: Quang Trung)

Nhiều cử tri đề nghị không chỉ trông chờ vào việc nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách mà nâng cao tiêu chuẩn của đại biểu chuyên trách cần được chú trọng mới thay đổi chất lượng đại biểu chuyên trách. Ông Đỗ Trường Giang, phố Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội đề nghị: “Chất lượng đại biểu mới là vấn đề chúng tôi quan tâm, vì là yếu tố quyết định trong hoạt động Quốc hội, nói lên tiếng nói của người dân. Cho nên những yêu cầu về chất lượng của đại biểu như trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác, tiếp xúc cơ sở, những đóng góp của đại biểu cho nhân dân…mới là vấn đề chính”

Đại biểu Quốc hội có chuyên nghiệp, có chuyên môn mới đưa ra được những văn bản pháp luật phù hợp với đời sống và những chính sách đi vào thực tiễn. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng của đại biểu trong xây dựng Luật là một đòi hỏi bởi họ là những người bấm nút thông qua các dự thảo Luật.

Sinh viên Nguyễn Thị Anh Thơ, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Nhiệm vụ chính của Quốc hội là thông qua các dự thảo Luật nên bên cạnh thực tế từ người dân thì những đại biểu Quốc hội cần có một nền tảng nhất định về kiến thức chuyên môn và pháp luật. Để thông qua được các dự thảo Luật thì đòi hỏi người đại biểu phải học hỏi rất nhiều, bản thân họ phải có những kiến thức rất chắc chắn thì mới có thể thông qua được các dự thảo Luật”.

Nhiều ý kiến cử tri cho rằng để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng đại biểu thì ngay trong quá trình hiệp thương, việc lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa XIV cần phải chú trọng đến chất lượng đại biểu. Mặc dù cái khó của các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu về năng lực, chất lượng đại biểu và yêu cầu đảm bảo cơ cấu, thành phần hợp lý. Vì Quốc hội là cơ quan dân cử nên cần đảm bảo tính đại diện cho các tầng lớp, giai cấp.

Tuy nhiên, không phải vì cơ cấu mà không quan tâm đến yếu tố chất lượng. Giải bài toán cơ cấu và chất lượng đại biểu cần có sự hài hòa và hợp lý, nhưng vẫn phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu.

Ông Nghiêm Sơn Hà, ở quận Ba Đình, Hà Nội mong muốn cuộc bầu cử sắp tới phải chọn cho được những đại biểu Quốc hội xứng đáng với sự tin tưởng của người dân: “Phải là người có năng lực, có trình độ đích thực thì hãy vào Quốc hội. Phải là người có tính phản biện cao chứ không vào lấy làm vì, làm ‘nghị gật’. Tôi mong muốn Quốc hội khóa mới này phải thay đổi thật sự”.

Tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội còn thể hiện ở bản lĩnh bày tỏ quan điểm chính kiến và thể hiện được nguyện vọng của cử tri với những bức xúc các vấn đề xã hội. Đó còn là tinh thần thẳng thắn, hỏi thẳng, đeo bám vấn đề, không né tránh, không nể nang trong mỗi buổi chất vấn.

Với tinh thần xây dựng cũng như xác định rõ trách nhiệm trước Quốc hội và sự kỳ vọng của cử tri, người đại biểu hãy nỗ lực không ngừng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thực tiến cuộc sống./.

Thu Hiền/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *