(kontumtv.vn) – Huyện Đăk Hà là địa phương thứ hai của tỉnh Kon Tum công bố dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại một số khu vực trên địa bàn huyện vẫn còn lỏng lẻo.
Vào sáng 23/6, khi nhóm phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum có mặt tại chốt kiểm dịch tạm thời trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk La và ở xã Đăk Mar, thì nhiều phương tiện vận tải vẫn lưu thông trên tuyến đường này mà không bị dừng để khử trùng tiêu độc. Khi thấy phóng viên, nhiều cán bộ của trạm kiểm dịch vội vã về vị trí làm nhiệm vụ. Phóng viên đặt câu hỏi vì sao nhiều phương tiện giao thông liên tục qua lại trạm mà không ra tín hiệu dừng xe để khử trùng tiêu độc theo quy định, ông Đỗ Nhân Doanh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Hà, phụ trách trạm kiểm dịch tạm thời xã Đăk Mar cho biết: “Chúng tôi vẫn dừng thời điểm vừa xong. Anh em tới, anh em vừa vào thay đồ cởi áo ra để ngồi nghỉ xíu vì đứng 24/24 thế này tương đối nắng nóng, nên anh em vào thay đồ vào nghỉ vài phút rồi tiếp tục làm”.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại huyện Đăk Hà vào ngày 21/6 và hiện nay đã tiêu hủy 93 con lợn tại 3 khu vực xuất hiện ổ dịch là tại khu vực lò giết mổ gia súc tập trung ở tổ dân phố 3B, tổ dân phố 9 thị trấn Đăk Hà và thôn Đăk Lợi, xã Đăk Ngọk. Cùng với tiêu hủy đàn lợn trong ổ dịch, thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, UBND huyện Đăk Hà yêu cầu trong thời gian có dịch, tạm dừng việc mua bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch, tạm dừng hoạt động giết mổ gia súc tại cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, vào sáng 23/6, sau một ngày UBND huyện Đăk Hà công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, việc bán thịt lợn tại Trung tâm Thương mại Đăk Hà vẫn diễn ra công khai ở nhiều quầy hàng. Trao đổi với phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum, một tiểu thương bày bán thịt lợn tại Trung tâm Thương mại huyện Đăk Hà nói: “Cái này của cô, nhà cô để ăn mà hôm nay hết thịt cô đưa ra vừa bán vừa ăn. Có sợ phạt, họ nhắc nhở rồi nhưng đây là heo sạch của nhà cô cô bán cho người quen ăn thôi”.
Giải thích với phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum vì sao có tình trạng tiểu thương vẫn bán thịt lợn tại chợ, ông Đào Công Quyết, cán bộ Thú y thị trấn Đăk Hà nói: “Heo này là heo tồn đọng của người ta cách đây ba ngày, trong tủ lạnh cách đây 3 ngày trước khi công bố dịch anh ạ. Cái này em chỉ nghe người nói, những hộ kinh doanh người ta khai báo vậy. Sáng đi kiểm tra là không có, nhưng những hộ kinh doanh đợi khi cán bộ đã về người ta bán lại”.
Chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng bán thịt lợn trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi tại Trung tâm Thương mại huyện Đăk Hà, nhưng nhiều hộ tiểu thương vẫn công khai bày bán thịt lợn không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch mà còn khiến nhiều người dân bức xúc. Ông Phạm Bá Điền (tổ dân phố4, thị trấn Đăk Hà) nói: “Theo ý của tôi bây giờ tất cả các ban ngành bên thú y, bên quản lý thị trường khoanh vùng dịch trên huyện Đăk Hà là chặt chẽ, không để thịt nơi khác về đây bán dù có dấu hoặc không có dấu cũng không được mang về đây bán. Đã khoanh dịch thì khoanh cho chặt chẽ, không cho nơi nào mang tới để xóa dịch nhanh chóng cho bà con chúng tôi còn trở lại công việc kinh doanh cho ổn định”.
Sự nguy hại của dịch tả lợn châu Phi là rất lớn vì hiện nay chưa có thuốc điều trị và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Nguy hiểm hơn là vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại mạnh trong môi trường tự nhiên và hình thức lây lan rất đa dạng. Vì vậy, chủ quan trong công tác phòng chống dịch chẳng những không ngăn chặn được dịch bệnh lây lan mà còn gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước.
Văn Hiển – Đức Thắng