(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum thời điểm thành lập lại vào năm 1991 gặp vô vàn khó khăn bởi xuất phát điểm thấp, tỷ lệ bà con dân tộc thiểu số chiếm 54%. Mở ra những cơ hội để bứt phá và vượt lên, việc thay đổi tư duy sản xuất, gắn xây dựng nông thôn mới đã giúp tỉnh Kon Tum từng bước đạt được những kết quả đáng tự hào. Chặng đường 30 năm thành lập lại tỉnh có dấu ấn không nhỏ của tinh thần đoàn kết các dân tộc, quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng, nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Nói về những năm tháng gian khó khi tỉnh Kon Tum mới thành lập lại, người dân xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy không thể nào quên. Thời điểm đó, Mô Rai nằm giữa đại ngàn Chư Mom Ray, bởi giao thông cách trở nên khó khăn trong giao lưu với các địa phương khác phát triển kinh tế. Vì thế đời sống người dân vô cùng vất vả, khó khăn. Không chỉ kinh tế chưa có nhiều cơ hội phát triển, ngay cả y tế, giáo dục cũng khó tiếp cận đến bà con nên nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại một thời gian dài, gây ra nhiều hệ lụy cho chất lượng dân số cũng như cản trở quá trình phát triển kinh tế – xã hội nơi đây.

Đến khi vùng đất Mô Rai được Chính phủ cho phép triển khai phát triển cây cao su trên diện tích rừng nghèo và tỉnh Kon Tum đã thực hiện thành công. Đến nay, cùng với diện tích cao su tiểu điền gần 500 ha, diện tích cao su do các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn trồng, chăm sóc hơn 5 ngàn ha. Phát triển cây cao su đã tạo thu nhập ổn định cho bà con Rơ Mâm, Gia Rai tại địa phương. Gần đây, tỉnh lộ 674 hoàn thành, nối xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy với huyện Ia H’Drai và tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giao thương, phát triển kinh tế – xã hội. Giao thông thuận lợi giúp Mô Rai không còn là địa bàn biệt lập mỗi khi mùa mưa tới. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng giảm hẳn bởi hệ thống y tế, giáo dục được mở rộng. Vùng đất hoang vu nơi biên ải ngày nào giờ đã nhộn nhịp với những niềm vui mới.  Anh A Thái, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Le, xã Mô Rai cho biết: “Trong mấy năm gần đây, đối với bà con nhân dân làng Le học rất tích cực trong phát triển kinh tế. Được sự hỗ trợ, đầu tư của Ban Dân tộc tỉnh, rồi bà con cộng với đó là tinh thần trách nhiệm cao trong đời sống hàng ngày. Qua thời gian, được sự chỉ đạo sâu sát của bên Đảng ủy, UBND xã phối hợp với thôn làng thì thường xuyên tổ chức tuyên truyền để bà con hiểu thời đại mới cùng với đó phát triển kinh tế thì bà con thay đổi sự hiểu biết. Mấy năm nay thì đời sống bà con khá giả hơn những năm trước.

Mô Rai chỉ là một trong nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có sự vươn lên, bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Như huyện biên giới Ia H’Drai, thành lập hơn 5 năm nhưng công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2020, đàn gia súc của huyện gần 3.700 con; đàn gia cầm trên 37.500 con; sản lượng nuôi thủy sản đạt gần 74 tấn/ năm, sản lượng khai thác tự nhiên khoảng 60 tấn. Cùng với phát triển kinh tế từ cây chủ lực là cao su với diện tích trên 24 ngàn ha, việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp – thủy sản đang là bước đi đúng đắn giúp huyện biên giới Ia H’Drai giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 5 – 6%, riêng trong năm 2020 giảm 10%. Để đạt được kết quả này, Huyện ủy, UBND huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo, lãnh đạo các xã tập trung giảm nghèo theo trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Anh Nguyễn Tuấn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai cho hay: “Cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã từng bước được nghiên cứu sâu hơn và phát triển rộng rãi cho bà con. Chúng tôi không chú trọng số lượng mà phải về chất lượng trước đã. Từ chất lượng, các mô hình mới được nâng cao.

30 năm sau ngày thành lập lại tỉnh, nông nghiệp có nhiều bước phát triển tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhân dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Đặc biệt, trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con đã có những thay đổi tích cực trong tư duy lao động. Từ việc sản xuất để tự cung, tự cấp, giờ đây, người dân biết tích lũy của cải, năng động tiếp cận với những cách làm hay, mô hình hiệu quả giúp kinh tế ngày càng nâng cao. Ông A Lễ – Làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông phấn khởi chia sẻ: “Từ năm 2010 – 2020, tôi thấy bà con nhà nào nhà nấy tự biết làm ăn, trồng cà phê rồi trồng mấy thứ cây tạo ra hàng hóa. Cuộc sống của người dân tôi thấy cũng đi lên rất là rõ rệt. Thấy cuộc sống người dân ai nấy cũng có tiền, ai nấy biết đi mua phân để bón cho ruộng, mua phân bón cho cà phê để được năng suất cao. Hiện nay, đối với lúa, người dân vừa ăn, vừa bán. Trước đây không có lúa mà ăn, bữa nay có khi bán cả kho.”

Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn hơn 10%, giảm gần 50% so với thời điểm năm 1991. Đặc biệt, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho sự phát triển, nhưng với tinh thần đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, tỉnh Kon Tum tiếp tục vượt khó vươn lên, không chỉ thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch mà còn vững bước phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *