(kontumtv.vn) – Ngày 11 tháng 9 năm 2021, UBND tỉnh Kon Tum có Công điện số 07 về công tác phòng, chống, ứng phó bão số 5 và mưa lớn.

Công điện nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 04 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị – Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theobão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 14/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cảnh báo mưa lớn trên đất liền: Từ nay đến 12/9, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt; tổng lượng mưa các khu vực phổ biến đạt từ 30-50mm.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể tại địa phương, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

– Chỉ đạo các phòng ban, Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để ứng phó thiên tai, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

– Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời.

– Rà soát, kiểm tra, nắm chắc số lượng nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị theo phương châm “bốn tại chỗ” và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

– Kiểm tra, rà soát những làng, các hộ dân sinh sống ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt, sạt lở đất đá như vùng ven sông, suối, ven sườn đồi, vũng trũng… thông báo, cảnh báo kịp thời khu vực nguy hiểm cho người dân biết để chủ động ứng phó, đối với những khu vực có nguy cơ cao phải có biện pháp kiên quyết di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

– Kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo dân sinh bị hư hỏng, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn để có giải pháp khắc phục sửa chữa kịp thời theo thẩm quyền và đúng quy định nhằm đảm bảo giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Tổ chức bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; chủ động triển hai phương án khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

– Phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện bám sát địa bàn các xã xung yếu để kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai.

Các Sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó khi có bão, mưa lũ xảy ra; chủ động các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và diễn biến dịch bệnh Covid 19, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; tổng hợp, báo cáo tình hình thiên tai về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm chắc tình hình diễn biến mưa lũ, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi tình hình ở các địa phương, định kỳ vào lúc 16h00’ hàng ngày tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *