(kontumtgv.vn) – Đầu năm 2017, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã xuất hiện các trường hợp mắc bệnh thủy đậu, chính vì vậy công tác phòng chống bệnh thủy đậu nói riêng, các dịch bệnh thường xuất hiện vào thời điểm này nói chung đã và đang được địa phương đặc biệt chú trọng. Phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Phạm Xuân Khánh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy về vấn đề này.

PV: Thưa ông, huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương có các ca mắc thủy đầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh  trong năm 2017. Vậy ông cho biết đến nay tình hình bệnh thủy đậu trên địa bàn huyện diễn biến như thế nào? Công tác tuyên truyền tại địa bàn đã xảy ra dịch bệnh được đặc biệt quan tâm ra sao?

BS Phạm Xuân Khánh: Trong tháng 1 trên địa bàn xã Đăk Pne có xảy ra các trường hợp lẻ tẻ về bệnh thủy đậu, tổng số là 9 trường hợp, mắc chủ yếu là trẻ em, tập trung ở một số thôn, tháng sau thì không còn nữa, đến nay thì tình hình đã ổn định. Trước tình hình này, chúng tôi đã triển khai tập trung xuống các thôn của xã Đăk Pne để phát tờ rơi, đặc biệt là vận động nhân dân đi tiêm vắc xin cho đúng thời gian quy định. Thứ hai là thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh ở tất cả các thôn, đặc biệt là các thôn xa, thôn có số lượng mắc cao.

PV: Thưa ông, không riêng bệnh thủy đậu, vào thời điểm này dễ phát sinh các dịch bệnh như tay chân miệng, cúm, bệnh sởi… Trung tâm Y tế huyện đã triển khai các hoạt động gì nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh  dễ phát sinh vào thời điểm hiện nay?

BS Phạm Xuân Khánh: Công  tác phòng chống dịch trên địa bàn bao giờ cũng đặt hàng đầu, hiện tại trên địa bàn huyện đã có một hệ thống báo cáo dịch khẩn cấp, tức là các xã khi có dịch sẽ báo cáo về đường dây nóng, bệnh dịch khi tăng cao thì sẽ báo về cho Trung tâm, Đội Y tế dự phòng sẽ xuống giám sát, kiểm tra cũng như phối hợp với trạm y tế ở cơ sở. Đầu năm Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, địa phương nào thường xảy ra dịch, Trung tâm phối hợp với cán bộ y tế xã, đặc biệt là y tế thôn bản vận động bà con xử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, đặc biệt là không ngủ ở các nhà chòi rẫy đễ phát sinh bệnh dịch.

PV: Thưa ông, với đặc thù của huyện Kon Rẫy, quá trình triển khai các hoạt động nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh tại địa phương có khó khăn gì không? Ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả công tác chủ động phòng chống dịch bệnh ở địa phương?

BS Phạm Xuân Khánh: Trên địa bàn Kon Rẫy có hai xã rất khó khăn vùng sâu, vùng xa, đó là xã Đăk Côi và Đăk Pne, đặc biệt là Đăk Pne thì các thôn đường giao thông rất khó khăn, nên cán bộ y tế đến từng thôn rất khó. Thứ hai là các chương tình mục tiêu quốc gia, các dự án hầu như là đã cắt hết, cho nên kinh phí cho anh em đi giám sát rất hạn hẹp, cũng ảnh hưởng phần nào đến công tác giám sát. Thứ ba là 2 xã này trình độ dân trí còn hạn chế, cho nên công tác phòng bệnh của họ không được nâng cao. Một điều đặc biệt nữa là ở Đăk Pne, dân chủ yếu ở nhà chòi trong rẫy, cho nên chúng tôi tổ chức tuyên truyền các hoạt động phòng chống dịch bệnh cho người dân rất khó, chủ yếu là người dân ở nhà thôi, chứ đi rẫy thì chúng tôi không tuyên truyền, phổ biến được. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh thì chính quyền và ngành Y tế phải phối hợp với nhau; phải có sự đồng lòng của người dân, người dân phải tham gia trong công tác phòng chống dịch bệnh, có như vậy thì công tác phòng chống dịch bệnh mới hiệu quả được.

PV: Vâng xin cảm ơn ông về những thông tin vừa trao đổi.

                                                                  Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *