(kontumtv.vn) – Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã triển khai mô hình liên kết với trên 300 người dân ở 3 xã Măng Ri, Ngọc Lây và Tê Xăng của huyện Tu Mơ Rông. Tham gia mô hình, công nhân nhận mức lương từ 3,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng mỗi tháng; được cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, quần áo, bảo hộ lao động. Đặc biệt, mỗi công nhân còn được công ty cấp 100 gốc sâm mỗi năm để phát triển kinh tế gia đình. Ông A Niên (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng) phấn khởi cho biết, sau 19 năm gắn bó với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, đời sống của gia đình ông ngày càng được nâng lên. Gia đình đã có trên 1.000 gốc sâm Ngọc Linh phát triển tốt, trị giá vài trăm triệu đồng. Ông A Niên nói: “Công ty giúp đỡ cho gạo ăn. Mỗi năm, công ty cho mỗi công nhân 100 gốc sâm. Hiện nay gia đình tôi có 1.000 gốc sâm, có hạt cho gia đình, sau này cho gia đình phát triển”.

Chăm sóc cây giống sâm Ngọc Linh
Chăm sóc cây giống sâm Ngọc Linh

Ngoài ra, hơn 2.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ đã tham gia làm công nhân cho công ty theo thời vụ. Cây sâm Ngọc Linh đã và đang giúp đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri cho biết: “Từ khi có công ty thì chế độ, chính sách của anh em là lương hàng tháng, thứ hai là lo cơm nước, thứ ba là quần áo, giày mũ để đảm bảo anh em đi làm. Có những công nhân đã được hỗ trợ 10 năm rồi, như một số anh em ở đây có trên 1.000 gốc sâm. Cứ mỗi năm thì công ty cấp 100 cây giống sâm, được trồng tập trung, khoanh vùng riêng để anh em cùng nhau quản lý, bảo vệ, cũng giống như của công ty”.

Hiện nay, mỗi hạt sâm Ngọc Linh có giá 100.000đ, cây con 1 năm tuổi có giá khoảng 200.000đ, mỗi kg sâm củ Ngọc Linh có giá từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đây là cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao. Do vậy, việc người dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh Kon Tum mang ý nghĩa rất lớn; là hướng đi rất hiệu quả để thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng khó khăn.

                                                                                             Tấn Thành –  Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *