(kontumtv.vn) – Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum có những chuyển biến tích cực. Có được kết quả này là nhờ ngành Y tế đã thực hiện tốt việc xã hội hóa, nhất là việc xã hội hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trong không khí vui tươi của những ngày Tết, Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh có những chia sẻ về kết quả ngành Y tế đã đạt được trong việc xã hội hóa.

PV: Cảm ơn Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh đã tham gia chương trình phỏng vấn nhân dịp đầu xuân năm mới này. Thưa ông, trong năm 2016, ngành Y tế có những bước tiến mới trong việc xã hội hóa. Điển hình như phòng tiêm Safpo tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, máy chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh…Như vậy, công tác xã hội hóa góp phần như thế nào trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Y tế?

Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh: Đúng là năm 2016 việc xã hội hóa ngành Y tế mạnh nhất trong các năm trước đây. Đối với ngành Y tế Kon Tum, trong vòng 3 năm trở lại đây, vấn đề xã hội hóa đã được chú trọng, riêng năm 2016 thì có điểm nhấn về vấn đề xã hội hóa. Việc xã hội hóa đầu tiên thấy rằng có lợi cho bệnh nhân, thay vì có những kỹ thuật chúng ta phải đi tuyến trung ương để điều trị, vừa tốn kém, vừa mất thời gian, nhưng hôm nay xã hội hóa được những trang thiết bị hiện đại như vậy thì bệnh nhân không phải đi xa. Thứ 2 là khi xã hội hóa thì trình độ chuyên môn của thầy thuốc được nâng lên, có cơ hội được tiếp cận những kỹ thuật mới, những phương pháp tiên tiến để áp dụng trong khám chữa bệnh.

Thạc sỹ - Bác sỹ Đào Duy Khánh
Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh

PV: Đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị ngày càng cao của người dân là mục tiêu quan trọng được ngành Y tế đặt ra trong nhiều năm qua. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được xem là giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà. Vậy vấn đề xã hội hóa được ngành xác định như thế nào trong năm 2017 này cũng như những năm tiếp theo, thưa ông?

Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh: Vấn đề tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế thì chúng ta phải tập trung cho các nguồn, đó là nguồn hỗ trợ của Trung ương và nguồn hỗ trợ của địa phương trong vấn đề đầu tư trang thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng. Nguồn thứ 2 tôi cho rằng cũng hết sức quan trọng đó là nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong vấn đề chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Và nguồn thứ 3 là chúng ta vay từ các ngân hàng để đầu tư cho ngành Y tế. Như vậy có thể nói là để phát triển ngành Y tế thì chúng ta phải tập trung tất cả các nguồn lực chứ không riêng gì xã hội hóa. Tuy nhiên, trong năm 2017 chúng tôi sẽ có cách làm quy củ hơn, sẽ có đánh giá nhu cầu thực tế của từng bệnh viện và có khả năng thực hiện xã hội hóa thì chúng tôi tiếp tục xã hội hóa để làm thế nào đó không chỉ  có bệnh viện  tỉnh mà còn tập trung ở các bệnh viện khu vực cũng như các trung tâm y tế huyện, để giúp cho người dân thuận tiện trong khám chữa bệnh cũng như chất lượng được cao hơn.

PV: Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho y tế còn hạn chế, hệ thống y tế tư nhân được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, việc các bệnh viện, cơ sở hành nghề y tư nhân được thành lập cũng như các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào các bệnh viện công, mục đích chính là lợi nhuận nên rất dễ dẫn đến vi phạm. Với chức năng quản lý nhà nước, Sở Y tế  xác định giải pháp gì để quản lý vấn đề này, thưa ông?

Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh: Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có hướng chỉ đạo chấn chỉnh rà soát việc xã hội hóa triển khai tại các bệnh viện công. Khi triển khai vấn đề gì thì cũng có mặt trái của nó, nếu như sự kiểm soát không chặc chẽ, không đúng quy trình, trong quá trình triển khai lạm dụng nguồn từ BHYT hoặc của người dân trong vấn đề chi phí để trả cho dịch vụ này, chính vì thế ngành Y tế tỉnh Kon Tum năm 2017 tập trung: Thứ nhất là kiện toàn và chấn chỉnh việc xây dựng các hồ sơ để mà xin chủ trương xã hội hóa. Thứ 2 là đánh giá toàn diện việc xã hội hóa trên địa bàn, tính hiệu quả đến đâu, mặt hạn chế như thế nào, để xã hội hóa các trang thiết bị này, tránh tình trạng lạm dụng nó thì đòi hỏi các bệnh viện phải xây dựng các quy trình chẩn đoán cũng như điều trị. Khi quy trình bệnh viện đó đã phê duyệt và được sự kiểm soát của BHYT thì tôi nghĩ rằng việc lạm dụng trong việc xã hội hóa để làm cho tăng giá trị giá thành điều trị của bệnh nhân cũng như từ nguồn BHYT cũng như kinh phí của người dân sẽ tốt hơn. Nói tóm lại, để kiểm soát việc này thì không có việc gì khác là mình phải tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh kịp thời.

 PV: Xin cám ơn ông. Nhân dịp năm mới, xin chúc ông dồi dào sức khỏe, chúc cho ngành Y tế thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm mới này. 

Thanh Tùng – Thanh Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *