(kontumtv.vn) – Nhiều cử tri cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này tiếp tục là phép thử để các vị lãnh đạo vượt qua những khó khăn, thử thách.

Sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, cử tri cả nước tiếp tục bày tỏ ý kiến của mình.

Đại đa số cử tri ở Tây Nguyên cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm thể hiện được sự khách quan, công tâm và trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng cử tri; đồng thời đánh giá đúng năng lực của từng cá nhân được bỏ phiếu.

Các vị ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Quang Trung)

Cử tri Phan Thanh Vị (85 năm tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng) ở tổ dân phố 2, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum cho rằng, niềm tin của ông được nhân lên sau khi theo dõi kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Ông đánh giá cao những tác động tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm:  “Qua bỏ phiếu tín nhiệm lần này, những cá nhân phiếu tín nhiệm thấp ở đợt bỏ phiếu lần thứ nhất đã vươn lên. Rõ nét như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Vì qua lần thứ nhất các vị này đã thấy được những hạn chế phấn đấu vươn lên. Không chỉ bản thân tôi mà tôi tin là cử tri rất tin tưởng vào kết quả này. Các vị có phiếu tín nhiệm thấp có cơ sở phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của họ”.

Cử tri Nguyễn Đình Thiện ở xã Biển Hồ, thành phố  Pleiku, tỉnh Gia Lai đồng tình với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Ông cho rằng, những đại biểu có số phiếu tín nhiệm cao như Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là rất xứng đáng. Vì những đại biểu này đã đưa ra những quyết sách phù hợp, kiên quyết và thực hiện rất tốt.

Cử tri Nguyễn Đình Thiện nói: “Kết quả tín nhiệm của các đại biểu phán ánh thực chất tình hình kinh tế- xã hội của nước ta hiện nay. Đồng thời, khẳng định vai trò trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với nhân dân. Cử tri chúng tôi mong muốn đối với một số vị có phiếu tín nhiệm thấp như Y tế, Giáo dục, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Tài nguyên Môi trường,… đề nghị các vị tư lệnh ngành cần có giải pháp tích cực, sớm sửa chữa, khắc phục, xứng đáng với niềm tin của cử tri”.

Cử tri Nguyễn Vừa ở phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nói: “Qua theo dõi tôi thấy đa số người được lấy phiếu tín nhiệm đều nhận thức được trách nhiệm. Tập thể đại biểu Quốc hội đánh giá năm nay so với năm ngoái có chuyển biến rất mạnh. Đại biểu Quốc hội làm như vậy là rất phù hợp với lòng dân. Người ta thấy được khuyết điểm thì sửa, mà nếu sửa được thì tôi thấy rất kỳ vọng. Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm tôi thấy rất cần và phải duy trì nền nếp về lấy phiếu tín nhiệm”.

Ông Trần Đức Thinh, cử tri thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nói: “Tôi thấy lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần này rất bài bản, phản ánh khá xác thực trình độ, năng lực khả năng hoàn thành nhiệm vụ  của từng cán bộ. Đây là điểm mới, cần thiết trong hoạt động của Quốc hội. Tất nhiên việc lấy phiếu tín nhiệm không phải lúc nào cũng đánh giá đúng trình độ, năng lực 100%. Tôi nghĩ rằng, các cán bộ tín nhiệm cao hay thấp cũng là bình thường, quan trọng là họ biết nhìn nhận thực tế, cố gắng vươn lên để lần sau lấy phiếu tín nhiệm đạt cao hơn”.

Cử tri Lâm Thừa Anh, ngụ tại quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm nay thực sự đã phản ánh đúng tình hình hoạt động trong từng lĩnh vực của các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm. “Việc lấy phiếu tín nhiệm đã có chiều hướng tích cực, ngày càng có nhiều chuyển biến tốt. Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ, như thế là rất mừng”.

Đối với ông Vũ Xuân Đại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, trong thời gian qua, các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng và giao thông có những chuyển biến tích cực do đó kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm lần đã phản ánh đúng những nỗ lực cố gắng của những người đứng đầu từng lĩnh vực trên. Ông Đại bày tỏ mong muốn các vị đại biểu tiếp tục phấn đấu để nhiệm kỳ tới đưa lĩnh vực của mình đi lên hơn nữa.

Bà Mai Ngọc Dung, cử tri của quận 3 (TPHCM) nói: “Ở góc độ người dân, tôi thấy những lãnh đạo có phiếu tín nhiệm cao nên tiếp tục phát huy hơn nữa để đưa ra những chính sách phù hợp giúp đất nước đi lên. Còn đối với những người có phiếu tín nhiệm thấp cần cố gắng hơn nữa để lấy lại niềm tin trong nhân dân”.

Theo bà Lê Thu Hà, ở huyện Bình Chánh, kết quả phiếu tín nhiệm lần này đã phản ánh đúng năng lực lãnh đạo ngành y tế và giáo dục: “Vai trò của người chủ chốt là phải tham mưu cho Đảng và Nhà nước để thực hiện những chính sách cũng như chế độ để thực hiện tốt cho ngành. tôi nghĩ nhìn tổng quan, kết quả này đánh giá xác thực tình hình thực tế”.

Ông Phạm Văn Thiều, cử tri phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình nói: “Qua theo dõi, tôi và nhiều cử tri rất tin tưởng ở những đại biểu mà chúng tôi đã bầu ra. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này rất đúng với thực tế khách quan. Lần trước lấy phiếu tín nhiệm thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có số phiếu tín nhiệm thấp hơn nhiều đại biểu khác nhưng lần này được tín nhiệm cao hơn vì sau lần đó chúng tôi thấy hoạt động của 2 vị này tốt hơn lần trước, đã chỉ đạo sâu sát, hợp lòng dân. Đây cũng là điều rút kinh nghiệm cho các vị lãnh đạo kỳ này có tín nhiệm thấp phải thực hiện nhiệm vụ tốt hơn thì mới được tín nhiệm cao hơn”.

Cử tri Hoàng Chương, ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến: “Trong điều kiện hiện nay, giáo dục phải có sự tham gia của toàn xã hội, gia đình, học đường, nhà trường. Chỉ riêng nhà trường hay Bộ Giáo dục thì không thể đưa lĩnh vực này vươn lên được nếu không có sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội”.

Cùng quan điểm này, cử tri Dương Ngọc Sơn, ở quận Ba Đình, Hà Nội nói: “Một số vị có số lượng phiếu tín nhiệm thấp tương đối cao. Thực tế những vị này thời gian qua cũng có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Việc bỏ phiếu của Quốc hội vừa rồi phản ánh đúng, và chúng tôi tin tưởng rằng qua đợt bỏ phiếu tín nhiệm lần này, các đồng chí cũng nhìn nhận lại mình để làm sao phát huy được mặt tốt và khắc phục mặt hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Khác với lần lấy phiếu tín nhiệm năm ngoái, lần này, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ gửi bản báo cáo kiểm điểm bản thân và bản kê khai tài sản đến các đoàn đại biểu. Đây là một trong những điểm mới trong lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhiều cử tri cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này tiếp tục là phép thử để các vị lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuần vượt qua những khó khăn, thử thách đưa ngành và lĩnh vực mình phụ trách đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.

Cử tri Cù Văn Phiên, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, trách nhiệm của người đứng đầu những ngành đó cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa: “Vấn đề là toàn xã hội và toàn Đảng, đặc biệt Nhà nước, Chính phủ phải đầu tư hơn nữa cho những ngành này, tạo điều kiện cho các vị lãnh đạo của những ngành đó phát triển được toàn diện hơn và tốt hơn. Tôi nghĩ kết quả vừa rồi, đặc biệt là những người đứng đầu của ngành đó phải xác định đây là kết quả ban đầu, làm sao giữ được lâu dài và phát triển bền vững thì phải phấn đấu rất quyết liệt”.

Cử tri cả nước kỳ vọng sau lần lấy phiếu tín nhiệm này, những người có nhiều tín nhiệm cao sẽ có thêm động lực để phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn những vị có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng cần nhìn nhận hạn chế yếu kém của mình và ngành mình để có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.

Nhóm PV/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *