(kontumtv.vn) – Quốc hội ra Thông cáo phản đối hành động của Trung Quốc làm an lòng cử tri, thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước.

Sau 28 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần làm việc dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, cơ bản hoàn thành chương trình nghị sự đề ra.

\

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp. (Ảnh: TTXVN)

Là kỳ họp đầu tiên triển khai Hiến pháp mới, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, nhằm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt các văn bản về tổ chức bộ máy Nhà nước, kinh tế thị trường định hướng XHCN, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật. Việc thông qua và cho ý kiến bước đầu về các dự án luật đã cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Có thể nói, việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với sự hộ tống của tàu chiến và máy bay quân sự đã khiến cho không khí của kỳ họp thứ 7 của Quốc hội càng thêm nóng. Ngay trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông. Quốc hội đã phân tích và đánh giá kỹ lưỡng những tác động bất lợi của diễn biến ở Biển Đông đến việc thực hiện các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu và tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong nước để đề ra các phương án và giải pháp thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014.

Tán thành những giải pháp do Chính phủ đề ra, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, phát triển công nghiệp hỗ trợ, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục lòng tin về môi trường đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, Quốc hội cũng đã quyết định chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Quyết định này được đánh giá là rất kịp thời nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển và có thêm kinh phí đầu tư cho an ninh quốc phòng.

Tinh thần trách nhiệm của Quốc hội tại kỳ họp này đã được dư luận cử tri chia sẻ, hoan nghênh. Đặc biệt với việc ra Thông cáo số 2 thể hiện quan điểm, thái độ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã góp phần giải tỏa, an lòng nhân dân trước hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, thể hiện ý chí quyết tâm, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Kết quả này cũng được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Đó là tiếng nói chung của đại biểu phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc đã được thể hiện thống nhất thông qua Thông cáo chung được xem như Tuyên bố của Quốc hội.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, dư luận cử tri đa số đánh giá cao sự nghiêm túc, lắng nghe, có tinh thần trách nhiệm với lĩnh vực mình phụ trách đã góp phần làm rõ một số vấn đề băn khoăn của cử tri, củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng một số Bộ trưởng, trưởng ngành khi gặp câu hỏi khó, vấn đề nhạy cảm thì né tránh hoặc “sẵn sàng” nhận lỗi, nhận trách nhiệm cho xong để xoa dịu cử tri, nhưng có lẽ “nhận” xong rồi để đấy.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu ý kiến: “Nội dung chất vấn và trả lời chấp vấn rất thẳng thắn, các bộ trưởng trả lời rất thành công so với các kỳ trước. Có những vấn rất mới mẻ, được cử tri đặc biệt quan tâm như việc truy vấn tài sản của quan chức đã về hưu. Đây cũng là vấn đề nóng lần đầu tiên được đưa ra trên diễn đàn Quốc hội”.

Đa số các ý kiến cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát sau các phiên chất vấn, nhất là lời hứa của các thành viên Chính phủ phải có chuyển biến tích cực vào thực tiễn mới có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị: “Cần tiếp tục duy trì phát huy hoạt động giám sát của đại biểu qua chất vấn. Đề nghị các Bộ, ngành liên quan trả lời chất vấn phải xác định rõ trách nhiệm, đồng thời xác định giải pháp lộ trình thời gian cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với những vấn đề cử tri quan tâm qua hoạt động chất vấn. Điều tôi quan tâm là việc tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, tháo gỡ những vấn đề mà cử tri bức xúc quan tâm thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành liên quan thì khi chất vấn nên dành thời gian để tranh luận kể cả các Bộ, ngành liên quan khác, tuy không trực tiếp, nhưng vẫn cần tranh luận với đại biểu để làm rõ vấn đề, có giải pháp giải quyết đến cùng vấn đề”.

Đại biểu Trương Văn Vở cũng đánh giá cao những cải tiến trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp này đó là với mỗi vấn đề được chất vấn thành viên Chính phủ phải có báo cáo chung để đại biểu và cử tri giám sát. Nếu hoạt động chất vấn tiếp tục được nâng cao hơn, chất vấn đến cùng vấn đề sẽ tốt hơn rất nhiều./.

Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *