(kontumtv.vn) – Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình trước Quốc hội về những công việc đã và đang triển khai. Nội dung này được nhiều cử tri tỉnh Kon Tum quan tâm.

Qua theo dõi, hầu hết các cử tri đều bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển năm 2019. Đồng thời, phấn khởi trước thành tựu phát triển về kinh tế – xã hội của đất nước những năm qua, đặc biệt nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và mong muốn Đảng, Chính phủ tiếp tục giữ vững phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở những thành tựu đã đạt được. Ông Nguyễn Thành Minh (thôn 8, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) nói: “Qua theo dõi thì đất nước mình ngày càng đổi mới, đường lối chính sách của Đảng thì ngày càng phát triển, đó là đi đúng theo ý nguyện lòng dân, người dân cũng rất phấn khởi. Cũng mong muốn rằng Chính phủ sẽ có những đường lối thiết thực hơn, sát với điều kiện nhân dân hơn để đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Nhất là trong xây dựng nông thôn mới thì làm sao giữa nông thôn và thành thị ngày càng gắn liền hơn, đời sống của người nông thôn phát triển tốt hơn”.

Cử tri theo dõi phiên họp Quốc hội
Cử tri theo dõi phiên họp Quốc hội

Qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri đồng tình với những phát biểu của các đại biểu Quốc hội, đó là chất lượng giáo dục đại học còn chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ, sai phạm trong kỳ thi phổ thông quốc gia, vấn đề sách giáo khoa… gây ra bức xúc trong dư luận. Ông A Bông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Tô phát biểu: “Qua theo dõi vấn đề Quốc hội thảo luận nói về vấn đề giáo dục thì vừa qua Bộ GD&ĐT cải cách về sách giáo dục để dạy cho các cháu giờ thấy có nhiều cái không hiệu quả lắm. Nên thời gian tới đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu như thế nào đó để các cháu học dễ tiếp thu hơn. Thứ hai là đối với các sinh viên ra trường tạo điều kiện cho các em có việc làm, đặc biệt là các cháu dân tộc ít người ở miền núi”.

Về vấn đề phát triển nông nghiệp hiện nay, nhiều cử tri mong muốn: “Đất nước Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp, mà nông nghiệp thì phải đi ra thế giới thì lợi nhuận mới cao được, chứ sản xuất tiêu thụ trong nước thì không thể, nhưng chúng ta đưa ra được thì phải có chất lượng. Cần hướng dẫn, chỉ đạo để người dân biết được giá trị sản phẩm người ta làm ra là như thế nào khi tiêu thụ ra nước ngoài mới có giá trị được, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân, để nâng cao được đời sống của nhân dân lên”. Ông Nguyễn Thành Minh (thôn 8, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) nêu ý kiến.

“Riêng về nông nghiệp, đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu để làm sao nông dân bán được sản phẩm ra thị trường và tiếp cận được giá ngày càng tốt hơn. Làm sao đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đến với nhân dân để nhân dân vận dụng trong sản xuất có hiệu quả kinh tế hơn”. Ông A Bông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Tô phát biểu.

Cử tri cũng nhất trí cao với những ý kiến của các đại biểu Quốc hội là để phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần có những chính sách, quy hoạch cụ thể, chẳng hạn như phát triển kinh tế theo vùng, vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng phát triển cây công nghiệp… cho phù hợp với từng địa phương, để từng bước nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *