Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 5/6, Quốc hội chất vấn 2 Bộ trưởng: Giao thông Vận tải và Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu kỳ vọng 2 Bộ trưởng sẽ nêu ra các giải pháp về xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển ngành du lịch, chấn chỉnh hoạt động mê tín dị đoan…
Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau). |
Liên quan đến lĩnh vực Giao thông vận tải, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) băn khoăn về những bất cập và hạn chế trong việc xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm bị đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém… Đây là những vấn đề mà đông đảo cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Mặc dù đã qua nhiều kỳ họp nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
“Có những vấn đề giải quyết còn chậm, hiệu quả giải quyết đến thời điểm này có những việc chưa đạt yêu cầu. Thực trạng đã rõ, cần tập trung nêu vấn đề, tìm ra giải pháp của ngành giao thông hiện nay”- đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết.
Về chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết, đại biểu quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của ngành, cũng như làm thế nào để ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 của Đảng.
Đối với nội dung chất vấn liên quan đến mê tín dị đoan, đại biểu đoàn Quảng Bình cho rằng, một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo nhằm thu lợi nhuận kinh tế nên bằng cách này, cách khác hành nghề bói toán, mê tín dị đoan… làm cho người dân bị mê hoặc.
“Giải pháp khắc phục là tuyên truyền rộng rãi cho người dân điều gì là tín ngưỡng, điều gì là mê tín. Bên cạnh đó, cần có giải pháp ngăn chặn những trường hợp cá nhân lợi dụng tôn giáo làm cho người dân mê tín”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) cho biết, mọi người dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, tuy nhiên thời gian qua những vụ việc cúng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán tại chùa Ba Vàng đã khiến dư luận bức xúc. Việc lợi dụng hoạt động tâm linh để kinh doanh, trục lợi đang diễn biến phức tạp, đòi hòi nhà quản lý phải vào cuộc, có những giải pháp chấn chỉnh.
Theo bà, qua những sự việc này, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan cần phải thấy được trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động này.
“Nói kiếp trước của con người thế này, thế kia để yêu cầu nộp tiền thỉnh vong là biểu hiện của việc tuyên truyền mê tín dị đoan. Nếu Bộ VHTTDL, cơ quan chức năng không quản lý tốt, không xử lý quyết liệt thì đây sẽ là vấn đề đáng lo ngại”- đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng, việc xử lý hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, dẫn tới việc các đối tượng “nhờn luật”. Theo đó, Bộ VHTTDL cần tham mưu để sửa đổi những quy định, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Vừa qua, có một số vấn đề mà người dân, xã hội quan tâm, bức xúc về hủ tục, mê tín dị đoan dẫn đến dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch có các giải pháp để lập lại trật tự này, giúp cho văn hóa, tín ngưỡng của người dân đi vào sinh hoạt lành mạnh và mang bản sắc văn hóa dân tộc là việc hết sức cần thiết”./.
Kim Anh/VOV.VN