(kontumtv.vn) – Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, trong các hoạt động cải cách thời gian qua có lẽ người dân ca ngợi nhất là cải cách kinh tế.

Sáng 17/11, sau khi nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Báo cáo này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn (Ảnh: Quang Trung)

Đa số ý kiến đại biểu bày tỏ hoan nghênh cách làm đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này, tạo điều kiện có thêm thời gian để đại biểu được trao đổi lại về những nội dung Chính phủ báo cáo. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng đây là cách làm hay và cần tiếp tục được phát huy ở những kỳ sau.

Thảo luận vào các nội dung chính của Báo cáo, các đại biểu cơ bản đồng tình với những nhận xét, đánh giá của Chính phủ, thể hiện quá trình làm việc rất nghiêm túc và trách nhiệm của Chính phủ. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng kết quả đạt được của nền kinh tế xã hội thời gian qua vẫn chưa đồng bộ.

“Trong các cải cách, cải cách kinh tế là thành công nhất”

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng (Ảnh: Thảo Nguyên)

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) chỉ ra những tồn tại trong cải cách hành chính thời gian qua. Đại biểu cho rằng, qua theo dõi, ở ta đã tiến hành khá nhiều cuộc cải cách: cải cách ruộng đất, cải cách văn hóa, cải cách giáo dục, cải cách tư pháp… nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Đại biểu cho rằng, có lẽ người dân ca ngợi nhất là cải cách kinh tế, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Có thể nói cải cách kinh tế là thành công nhất.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh: cải cách hành chính đã thu được một số thành quả, giảm được nhiều thủ tục, giảm được phiền hà nhưng chưa giảm được bộ máy, biên chế. Bộ máy ngày càng phình ra, biên chế ngày càng tăng.

Về vấn đề chống tham nhũng, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước rất lớn, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, để giải quyết cốt lõi vấn đề này, yếu tố con người là rất quan trọng. Thứ nữa phải xây dựng lòng tin cho người dân. Nếu không xây dựng được lòng tin tiêu cực, tham nhũng vẫn còn. “Người dân đi đến đâu cũng tự nguyện đưa tiền bởi họ không còn niềm tin với chúng ta nữa”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhằm làm chuyển biến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trong năm nay cũng như giải quyết kịp thời nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội đã nêu ra tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần đi sâu đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là hiệu quả thực hiện các nghị quyết, chương trình, mục tiêu, dự án trong thực tế.

“Quản lý Nhà nước ở nhiều lĩnh vực còn đi sau thực tế?”

Đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị (Ảnh: Quang Trung)

Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ cần làm rõ tình trạng nhiều vụ việc xảy ra rồi Chính phủ mới chỉ đạo rà soát, kiểm tra. Phải chăng quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực còn lỏng lẻo, đi chậm, đi sau so với thực tế?

Đại biểu Phạm Đức Châu nhấn mạnh: “Rõ ràng quản lý nhà nước đã đi chậm, đi sau. Vì vậy tránh hiện tượng này, cử tri mong muốn công tác quản lý nhà nước phải qua tổng hợp, dự báo tình hình, qua thanh tra, kiểm tra, đừng để tình trạng xảy ra rồi mới rà soát. Thứ hai, Chính phủ cần tập trung đánh giá thực chất hiệu quả của các chương trình, dự án. Trước Quốc hội và cử tri tôi khẳng định rằng gần như mục tiêu, chương trình, dự án chúng ta đề ra rất tốt đẹp, rất nhân văn nhưng nhiều cái tôi cho rằng hiệu quả không cao, đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến nông dân, nông nghiệp nông thôn, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bài toán phát triển nông nghiệp: phải giải quyết việc sản xuất như thế nào, bán cho ai

Việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, giải bài toán phát triển trong nông nghiệp là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) băn khoăn về các giải pháp tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong thời gian qua. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Giải bài toán phát triển nông nghiệp cần giải quyết 3 việc là sản xuất cái gì, sản xuất bằng cách nào và sản xuất cho ai. Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta chỉ nói là sản xuất cây gì, con gì nhưng sản xuất bằng cách nào với giá thành rẻ nhất có thể cạnh tranh được và bán cho ai thì chưa giải quyết được.

Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TPHCM (Ảnh: Quang Trung)

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: “Chúng ta cần giải bài toán tại sao mỗi năm cần 6 triệu tấn ngô cho chăn nuôi nhưng chúng ta chủ yếu phải nhập khẩu. Bởi vì ngô sản xuất trong nước giá thành cao hơn nhập khẩu 5 nghìn 600 đồng 1 kg nhưng sản xuất trên 6 nghìn. Bộ nông nghiệp chỉ đạo làm ngô 200 nghìn ha ở đồng bằng sông cửu long nhưng ngô không bán được. Ở đây chúng ta không quan tâm đến vấn đề phương thức tổ chức sản xuất. Nếu không thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, không đưa tín dụng vào được, không giảm giá thành được thì chúng ta không giải được bài toán về nông nghiệp.

Quyết liệt giảm nghèo khu vực đồng bào dân tộc

Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn cho khu vực đồng bào dân tộc trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, thời gian qua, chính sách cho đồng bào dân tộc Chính phủ ban hành khá nhiều, nhưng hiệu quả chưa cao.

Đại biểu Danh Út chỉ rõ: “Chính sách thì nhiều, nhưng nguồn lực bố trí thực hiện chính sách rất hạn chế. Có những chính sách chúng ta đưa ra giai đoạn 5 năm nhưng kiểm nghiệm lại 5 năm thực hiện chỉ đạt 20-30% do đó rất khó thực hiện. Nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ nghèo chiếm nhiều nhất trong xã hội. Nếu cả nước khoảng 8% hộ nghèo, thì khu vực đồng bào dân tộc chiếm 47%. Do đó thời gian tới đề nghị chính phủ ban hành chính sách kèm theo nguồn lực để tổ chức thực hiện cho đối tượng này”.

Đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên (Ảnh: Quang Trung)

Đề cập vấn đề tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có dấu hiệu giảm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng tỷ lệ này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có triển khai các dự án thủy điện còn cao hơn nhiều, ở Phú Yên có nơi trên 80%. “Bà con đang mong mỏi chính sách đặc thù mà Chính phủ dành cho đồng bào để bà con có điều kiện cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

“Hàng nhái, hàng giả còn xấu hơn cả nợ xấu, nợ công”

Đóng góp ý kiến về lĩnh vực tài chính, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc hết sức mình song tình hình hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu vẫn xảy ra nghiêm trọng với quy mô lớn và phức tap, đã và đang gây những tác hại nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội, đời sống nhân dân, kể cả an ninh quốc gia.

“Người nông dân đã nghèo nhưng mua phải phân bón giả, thuốc trừ sâu cũng làm giả. Người dân ăn uống cảm thấy không an toàn, bệnh phải đi cấp cứu vì thuốc giả. Người dân đang cảm thấy không an toàn với cuộc sống. Đây là món nợ tôi cho rằng, còn xấu hơn nợ xấu và nợ công. Đề nghị Chính phủ có biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Khẳng định dù tin tưởng các con số về nợ công, nợ xấu, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân vẫn đề nghị trong lần trả lời chất vấn này, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo thật chi tiết để có thể thuyết phục người dân “nợ xấu, nợ công của chúng ta đang an toàn”, tạo niềm tin cho nền kinh tế Viêt Nam tiếp tục phát triển.

Tham gia làm rõ hơn một số nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận trách nhiệm về vấn đề chỉ đạo còn thiếu quyết liệt, chưa đảm bảo nhanh chóng trong vấn đề giải quyết đất lâm, nông trường còn chồng lấn với đất của đồng bào và một số nội dung còn tồn tại khác như về trồng rừng thay thế…

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng tham gia giải trình thêm một số nội dung giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai và khiếu nại phức tạp, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả./.

Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *