(kontumtv.vn) – Các ý kiến cho rằng dự án luật này được đề cập trong nhiều khóa và cần sớm trình để Quốc hội xem xét, thông qua.

Nên khen thưởng và phê bình cơ quan trình dự án

Thảo luận về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2015 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, ngày 28/5, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí với đánh giá trong báo cáo của UBTVQH, trong đó chỉ rõ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều hạn chế kéo dài, chậm khắc phục, chất lượng hạn chế, ảnh hưởng tới việc đưa luật vào cuộc sống.

“Tại sao như thế? Xem lại chương trình có quá tải không? Cần có chế tài gì không với các cơ quan hữu quan theo luật định. Bản thân ta không thực hiện được thì việc chậm, điều chỉnh là đương nhiên. Do đó nên có khen thưởng và phê bình các cơ quan trình dự án luật để siết lại kỷ cương, tránh nói đi nói lại”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Lê Đình Khanh bày tỏ băn khoăn về những hạn chế kéo dài, chậm khắc phục

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng bày tỏ việc các Nghị quyết về xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm nào cũng bị thay đổi, điều chỉnh thể hiện sự chuẩn bị thiếu chu đáo của các cơ quan liên quan, sự bị động của Quốc hội cần sớm được khắc phục.

Đánh giá hiệu suất, năng suất của nhiệm kỳ khóa XIII rất tốt, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết trung bình mỗi kỳ họp thông qua 9 đến 10 dự án luật, có kỳ họp thông qua 18 luật. Các luật đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Qua các con số thống kê đến nay đã hoàn thành được 70% chương trình của cả nhiệm kỳ, thông qua 69/98 luật trong chương trình chính thức. Thời gian còn lại sẽ thực hiện được chương trình đề ra.

Đại biểu cũng tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu là có những hạn chế của việc xây dựng luật và pháp lệnh đã thành cố hữu, không hiểu tại sao không sửa được.

Ví dụ đề ra chương trình vượt qua điều kiện thực hiện, dẫn đến chuyện đưa chương trình rồi nhưng chuẩn bị không kịp, không chu đáo, đưa ra Quốc hội thấy không ổn nên đề nghị rút. Nhiều nhược điểm nói mãi như chuyển tài liệu cho cơ quan thẩm tra, cho đoàn đại biểu quốc hội các địa phương lấy ý kiến rất sát ngày, khó đảm bảo chất lượng đóng góp ý kiến, thậm chí là hình thức.

Cần ưu tiên sớm trình Luật Biểu tình, Luật về hội

Liên quan hai luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội thì giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhất trí lùi dự án Luật Biểu tình “vì không lùi không được”. Luật về Hội giữ nguyên thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10.

Về dự kiến chương trình 2016, đại biểu đề nghị kiên quyết không đưa vào chương trình, pháp lệnh những dự án chưa đáp ứng điều kiện. Nhưng tài liệu thuyết minh về các dự án hiện chưa có nên Quốc hội khó quyết.

Theo đại biểu, cần căn cứ vào khả năng thực tế để xây dựng và thông qua, tránh dồn nhiều dự án luật vào một cơ quan để đảm bảo chất lượng và tiến độ. Với Ủy ban VH-GD-TTNNĐ có đến 6 dự án luật trong 2016 thì khó thực hiện được và rồi sẽ lại xin rút.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng đề nghị cần ưu tiên Luật Biểu tình, Luật về Hội ban hành trong khóa XIII vì đây là vấn đề được nêu ra từ nhiều khóa trước cho tới khóa này.

Theo đại biểu, do chưa có luật nên tình trạng tụ tập đông người, dừng việc tập thể phản đối hoặc kiến nghị lãnh đạo công ty, lãnh đạo chính quyền cơ sở không biết gọi hiện tượng đó là gì cho chính xác và giới hạn đến đâu là vi phạm pháp luật. Việc hội ra đời quá nhiều và nơi này cho phép nơi kia không cũng là do chưa có Luật.

Cũng trong dự thảo Nghị quyết ghi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thông qua 10 dự án luật nhưng đại biểu cho biết có tới 6 dự án luật chưa cho ý kiến lần đầu, cũng không phải là dự án luật được đưa ra thông qua theo hình thức rút gọn tại kỳ họp nên đề nghị xem xét lại.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng đồng quan điểm với UBTVQH đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng, đưa vào chương trình một số luật như Luật về hội, Luật Biểu tình.

“Luật Biểu tình nói rất lâu rồi và không chỉ cử tri mà nước ngoài cũng quan tâm. Cứ đưa ra, nếu thực sự khó thì 2 kỳ họp chưa thông qua được thì 3 kỳ”, đại biểu đề nghị./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *