(kontumtv.vn) – Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã kịp thời đề xuất với Quốc hội sửa đổi nhiều cơ chế chính sách quan trọng nhằm phục hồi kinh tế.

Đánh giá Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015, Đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng, trong giai đoạn 2011-2015 mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn, không ổn định, nhưng kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tương đối khá, tốc độ tăng trưởng 5 năm qua đạt 5,9%. Tuy không đạt được nghị quyết của Quốc hội, nhưng vẫn đạt ở mức cao trong khu vực và trên thế giới và đặc biệt là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Đáng chú ý trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng đã đạt gần 6% GDP là điều ấn tượng. Các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được duy trì. Điểm sáng trong phát triển kinh tế của đất nước trong 5 năm là khả năng kiềm chế lạm phát, chỉ số CPI năm 2015 giảm chỉ còn 0,6% so với 18,13% của 2011. Điều này không chỉ có ý nghĩa làm ổn định tình hình kinh tế – xã hội, môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, mà còn bảo đảm mức lương thực tế của người lao động trong thời điểm tình hình kinh tế bất ổn định.

“Trong 5 năm vừa qua, xuất khẩu tăng trưởng khá, bình quân lên đến 71,75%. Kiểm soát lạm phát, kiểm soát nhập khẩu cũng tốt hơn. Chính vì vậy, cán cân ngoại thương của chúng ta cũng tương đối khá. Nhập siêu của cả 5 năm chỉ khoảng 10 tỷ USD, tương đương mức nhập siêu của riêng năm 2011. Nhờ vậy, cán cân tổng thể của nền kinh tế vẫn đạt thặng dư lớn; tiềm lực tài chính, dự trữ ngoại hối cũng tăng. Hiệu quả nền kinh tế có tiến bộ nhất định. Hệ số ICOR cũng giảm dần”, Đại biểu Bùi Đức Thụ đánh giá.

dai bieu quoc hoi hai long voi vai tro dieu hanh cua chinh phu hinh 0
Đại biểu Bùi Đức Thụ cho biết vai trò điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều điểm mới. (Ảnh: Internet)

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, đến cuối 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc chỉ còn 4,4%. Trong đó, số hộ nghèo ở các huyện 30A, xã 135, bình quân giảm khoảng 5-5%/năm. Những điều đó thể hiện tương đối toàn diện bức tranh kinh tế xã hội trong 5 năm qua.

Nhận xét về điều này, Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, để đạt được những điều này, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, quyết định đúng đắn của Quốc hội, phải kể đến sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Đề cập đến 8 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, mặc dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2011-2015 nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó lớn nhất là chất lượng hoạt động của nền kinh tế còn thấp, năng suất lao động còn thua nhiều nước trong khu vực và thế giới.

“Trước bối cảnh hội nhập nền kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng, theo tôi 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra tương đối toàn diện. Vấn đề đặt lên là cần xác định những điểm trọng yếu để tập trung chỉ đạo, điều hành để có thể đạt được các mục tiêu đề ra”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội bày tỏ.

Đánh giá vai trò điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua, Đại biểu Bùi Đức Thụ cho biết đã có nhiều điểm mới. Cụ thể, khi tình hình kinh tế thế giới cũng như khu vực xuất hiện nhiều thay đổi, Chính phủ đã kịp thời đề xuất với Quốc hội sửa đổi các cơ chế chính sách như chủ trương đẩy mạnh, chú trọng tăng trưởng kinh tế chuyển sang mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; điều chỉnh các cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước, các luật thuế để hỗ trợ tăng trưởng nhằm phục hồi kinh tế.

“Trong nhiệm kỳ vừa qua, thủ tục hành chính đối với lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng kể. Hơn lúc nào hết, để tạo ra môi trường hấp dẫn đầu tư, ngoài cơ chế chính sách về lợi ích đối với doanh nghiệp, cần tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội. Đổi mới cải cách hành chính cũng cần được nhân rộng, thực hiện quyết liệt hơn trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội”, Đại biểu Bùi Đức Thụ nhìn nhận.

Để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn 2016 – 2020, theo Đại biểu Bùi Đức Thụ, Chính phủ nên duy trì tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt lạm phát, cải thiện cán cân ngân sách theo hướng giảm bội chi, giảm nợ công và đảm bảo An ninh tài chính quốc gia, coi đó là điều kiện tiên quyết và cấp bách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, để đảm bảo cho việc tăng trưởng bền vững giai đoạn tới.

Và hơn lúc nào hết, để tạo môi trường hấp dẫn đầu tư, ngoài các cơ chế chính sách về lợi ích đối với doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính cần được nhân rộng và thực hiện quyết liệt hơn ở nhiều lĩnh vực./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *