(kontumtv.vn) – Trước thềm kỳ họp, các đại biểu cho rằng, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với 48 chức danh sẽ là cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV trước thềm phiên khai mạc (22/10), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động thể hiện vai trò giám sát của Quốc hội. Mỗi lá phiếu phải chứa đựng trách nhiệm và sự công tâm trong đó.

thuc hien quyen giam sat thong qua la phieu  hinh 1
Đại biểu Quàng Văn Hương, đoàn Sơn La.

“Cân nhắc, thận trọng” là cụm từ được đại biểu Quàng Văn Hương (đoàn Sơn La) nhắc đi nhắc lại khi đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn bởi theo ông, đó là trách nhiệm của đại biểu qua từng lá phiếu. Lá phiếu đó không phải là lá phiếu chủ quan mà phải có căn cứ thực tiễn thông qua rất nhiều nguồn.

Trước khi về Hà Nội dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nhận được Bản báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của 48 đồng chí sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Bản báo cáo dài  285 trang, trong đó ông Hương dành nhiều thời gian để nghiên cứu phần tự đánh giá về những hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh đó, khi “chấm điểm” từng cá nhân, đại biểu Hương cho biết, ông đánh giá cán bộ qua các phiên chất vấn, qua thông tin, báo chí, dư luận xã hội, qua những chuyển biến trong thực tiễn… “Chẳng hạn như lĩnh vực BOT hay tình trạng cát tặc. Nếu như ở đầu nhiệm kỳ còn nhiều bức xúc thì nay cũng có những chuyển biến tích cực”, đại biểu Quàng Văn Hương nói.

Về nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, hoạt động này nhằm thực hiện quyền giám sát của Quốc hội thông qua lá phiếu.

thuc hien quyen giam sat thong qua la phieu  hinh 2
Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai

Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với 48 chức danh sẽ là cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ. Đây cũng là dịp để những người đang giữ chức vụ nhìn lại quá trình làm việc của mình, nhắc nhở họ về tinh thần trách nhiệm đối với trọng trách được giao.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước do Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): Nếu ứng cử viên có đầy đủ năng lực, phẩm chất, được nhân dân ủng hộ thì chắc chắn, đại biểu Quốc hội cũng sẽ dựa trên căn cứ đó. Ông Lưu Bình Nhưỡng mong mong các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung trí tuệ, tình cảm để hoàn thành những nội dung quan trọng của kỳ họp.

Đối với công tác lập pháp, với việc thông qua 9 đạo luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học… đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là những đạo luật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

thuc hien quyen giam sat thong qua la phieu  hinh 3
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre.

“Ngoài ra, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí; những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, những vấn đề đã được đặt ra trước đây như vụ Đồng Tâm phải giải quyết một cách rốt ráo…”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm nên Quốc hội sẽ thảo luận kỹ việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch năm 2019.

Ông Mùa A Vảng, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cử tri khu vực Tây Bắc nói chung mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho khu vực này, nhất là việc phát triển điện, đường, trường, trạm khu vực biên giới. Đặc biệt là việc đào tạo nguồn lực là cán bộ địa phương, chính sách hỗ trợ cho người nghèo cần có những đổi mới để cuộc sống của người dân thật sự đổi thay. /.

Đại biểu Mùa A Vảng, đoàn Điện Biên.

Hiện có tất cả 50 chức danh thuộc diện Quốc hội bầu và phê chuẩn, trong đó theo dự kiến tân Chủ tịch nước và tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông sẽ không lấy phiếu tín nhiệm do mới được bầu và phê chuẩn. Như vậy, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp (ba mức)./.

Hương Giang-Bích Lan/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *