(kontumtv.vn) – Đại hội lần thứ XII của Đảng là kỳ đại hội dân chủ mà vẫn tập trung để có một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, tiêu biểu cho các thế hệ tuổi, cho các giới, cho các loại hình hoạt động.

Nhà báo Đỗ Phượng. Ảnh: VGP/Phương Liên

Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trao đổi với Báo điện tử Chính phủ trong thời điểm Đại hội lần thứ XII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Là một nhà báo lão thành giữ nhiều trọng trách, ông nhận xét thế nào về Đại hội lần thứ XII của Đảng so với những kỳ đại hội trước?

Đại hội XII là kỳ đại hội khác hẳn so với những đại hội trước đây. Những kỳ đại hội trước là thời kỳ đất nước chậm phát triển, thuần nhất, người lãnh đạo gần như là được suy tôn, lúc đó chưa có kinh tế thị trường, chưa có các vấn đề quan liêu, chưa có các hiện tượng không bình thường…

Mươi năm trở lại đây, vị thế của đất nước không ngừng được khẳng định, không thể nghĩ được một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản trở thành quốc khách của Tổng thống Mỹ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp là trong tư cách Chủ tịch Chính phủ. Thời kỳ này, đổi mới trong nước, phát triển kinh tế thị trường, thế của đất nước trên trường quốc tế đã hơn hẳn. Quốc tế luôn theo dõi, quan sát đất nước ta, quan sát hoạt động của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, từ các tổ chức của Liên Hợp Quốc đến các tổ chức, chính quyền các nước. Việt Nam đã là một nước đang phát triển với số lượng dân đông.

Đất nước đã vào thời kỳ phát triển khá mạnh, đồng thời những điều kiện xấu, tiêu cực cũng xuất hiện. Chính vì vậy Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã thông qua Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là Nghị quyết rất khó khăn mới ban hành được và còn rất gian khổ khi thực hiện. Đây là cuộc đấu tranh trong Đảng, xây dựng dân chủ trong Đảng, chống những cái tha hóa.

Những bối cảnh đó làm cho người ta cảm thấy Đại hội XII có gì đó chòng chành. Vì sao lại có nhiều cuộc họp Trung ương trước Đại hội để bàn về nhân sự như vậy? Từ họp Trung ương lần 12, 13 chưa xong, phải đến kỳ họp thứ 14, rồi ra đến Đại hội vẫn tiếp tục bàn. Đây là tác động trong dân chủ hóa sinh hoạt Đảng, trong việc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng. Kỳ này khác hẳn những kỳ trước.

Người ta tưởng rằng có mâu thuẫn nội bộ, nhưng không phải như vậy mà chỉ là cần phải có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự.

Qua bầu cử, tuy còn nhiều điểm chưa được như dự kiến, nhưng nói chung Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là một danh sách đẹp. Cuộc bầu cử đã thể hiện được tiếng nói dân chủ, thể hiện quá trình chuẩn bị rất dài, nhưng không phải dài vì mâu thuẫn mà dài vì cẩn trọng, dài vì kiểm tra, xác minh những ý kiến về nhà cửa, đất đai, con cái… của các ứng cử viên. Đó là một quá trình cẩn thận, nghiêm túc gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Một đại hội dân chủ như thế mà vẫn tập trung được để có một Ban Chấp hành Trung ương tương đối tiêu biểu. Thực sự là Đảng ta đã có một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, tiêu biểu cho các thế hệ tuổi, cho các giới, cho các loại hình hoạt động.

Ông có góp ý gì về văn kiện của Đảng lần này?

Văn kiện Đại hội lần này đã đánh giá nhiệm kỳ vừa qua rất chuẩn, chuẩn cả về mặt mạnh, về mặt yếu đã dám nói rõ những yếu kém chứ không nói chung chung. Phương hướng nhiệm vụ của thời kỳ mới không những đúng mà còn viết khéo.

Cả về đường lối, cả về văn kiện, kết quả Đại hội XII là một kết quả tốt trong điều kiện hoạt động dân chủ rộng rãi.

Về Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần tiếp tục như thế nào?

Tôi tin rằng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện và được thực hiện tích cực hơn. Thời kỳ mới, với tinh thần mới, Nghị quyết Trung ương 4 sẽ tiếp tục có tác dụng cảnh báo, răn đe, tuy những hình thức vi phạm có thể tinh vi hơn, xảo quyệt hơn.

Hội nhập có thể đưa đến những tiêu cực nhưng hội nhập cũng là ánh đèn chiếu vào những chỗ tối. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế không chấp nhận tiêu cực. Chúng ta càng làm việc với những tập đoàn lớn, những tổ chức lớn sẽ càng cần soi rọi vào những chỗ tối, làm cho cán bộ của ta cũng phải cẩn thận hơn, trách nhiệm hơn, không thể tư lợi cá nhân được.

Mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, theo ông chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện ra sao khi mốc thời gian đang đến gần?

Chúng ta sẽ tiếp tục mục tiêu nhưng không bị giới hạn về mốc thời gian. Chúng ta có xuất phát điểm thấp với một nền công nghiệp cũ kỹ, giờ chuyển lên công nghệ trình độ cao không phải ngay lập tức. Công cuộc xây dựng này không đơn giản. Tôi cho rằng chữ “sớm” là chính xác, chứ không nên quá áp đặt vào một mốc thời gian.

Tương lai của đất nước sẽ như thế nào, theo ông?

Phải mươi năm nữa chúng ta mới thoát khỏi tình trạng trung bình. Hy vọng sắp tới, với hội nhập mạnh mẽ hơn, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên với một nền nông nghiệp và công nghiệp không được quy hoạch chuẩn từ những ngày đầu, chúng ta không nên đưa ra giới hạn thời gian khi chưa có quy hoạch chắc chắn. Tất nhiên chúng ta muốn nhanh nhưng không nên cứng nhắc.

Phương Liên (thực hiện)/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *