(kontumtv.vn) – Là một trong những huyện được điều chỉnh thành lập lại khá sớm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước – 01/11/1975, 41 năm qua, huyện Đăk Glei (Kon Tum) luôn đổi mới và phát triển về mọi mặt.

Trung tâm huyện Đăk Glei
Trung tâm huyện Đăk Glei

Từ chỗ là huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế – xã hội, giao thông đi lại khó khăn nhất tỉnh, đến nay Đăk Glei không chỉ phá được thế ngõ cụt, mà từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tương đối khá. Đặc biệt huyện đã quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Riêng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 11,55%. Ông A Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei nói: “Những năm gần đây, tình hình kinh tế – xã hội huyện Đăk Glei có nhiều đổi mới, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Hầu như là các chỉ tiêu về cây công nghiệp và nông nghiệp đều phát triển hơn so với những nhiệm kỳ trước đây. Thứ hai về văn hóa – xã hội, công tác giáo dục đào tạo tỷ lệ học sinh hiện nay là tăng, trên 90% các em đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm”.

Đặc biệt, từ phương thức canh tác chủ yếu là chọc tỉa, du canh du cư, đến nay diện tích các loại cây lâu năm tăng khá. Hiện toàn huyện có hơn 1.260 ha cây cà phê, trên 1.500 ha cây cao su và đang phát triển mạnh cây cà phê xứ lạnh, cây dược liệu. Ông A Phương cho biết: “Cây cà phê ở đây chủ yếu tập trung 9 xã, gồm Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong, Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp và Đăk Man, là những xã tập trung phát triển cây cà phê để nâng cao đời sống người dân. Ngoài ra, từ nay đến năm 2020 chúng tôi tập trung cây dược liệu, chủ yếu là cây sâm dây, sâm Ngọc linh và cây đinh lăng. Riêng cây sâm dây, chúng tôi đã trồng thí điểm ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh và Xốp. Cây đinh lăng hiện nay chúng tôi đã trồng đại trà trên địa bàn”.

Phát huy những thành quả đã đạt được, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, ra sức xây dựng huyện ngày một ổn định và phát triển. Phấn đấu đến năm 2020, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 38 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 3-4% và có ít nhất 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *