(kontumtv.vn)  – Thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của tỉnh, nhất là sau khi có chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý các cơ sở chế biến và mộc dân dụng đã được huyện Đăk Hà (Kon Tum) quan tâm, tăng cường và được các cơ sở chấp hành khá nghiêm túc.

Theo các chủ cơ sở mộc dân dụng tại Khu Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp huyện Đăk Hà cho biết, thời gian gần đây, tuy nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên cho sản xuất gặp khó khăn hơn trước, nhưng các cơ sở đều chịu khó tìm kiếm các nguồn gỗ hợp pháp, có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng để sử dụng, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Ông Nguyễn Văn Quang, cơ sở mộc dân dụng tại đây cho biết: “Đóng cửa rừng thì mình cũng tìm mọi cách để liên hệ với các Hạt Kiểm lâm trong tỉnh như Kierm lâm Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy mua lại những gỗ thanh lý để làm, hoặc đến các công ty lớn ở thành phố Kon Tum, Khu Công nghiệp Hòa Bình, hoặc Khu Trà Đa ở Gia Lai để mua gỗ. Nói chung nguyên liệu ở cơ sở đây thì đảm bảo có giấy tờ hết”.

Cơ sở mộc dân dụng tại Khu Làng nghề TTCN huyện Đăk Hà
Cơ sở mộc dân dụng tại Khu Làng nghề TTCN huyện Đăk Hà

Khu Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp huyện Đăk Hà hiện có 22 cơ sở mộc dân dụng và cưa xẻ gỗ. Nhờ đưa vào sản xuất tập trung, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nên đến nay, hầu hết các cơ sở ở đây đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật, không có trường hợp vi phạm xảy ra. Ngoài các cơ sở trong làng nghề, trên địa bàn huyện còn có nhiều cơ sở mộc dân dụng hoạt động nhỏ lẻ nằm rải rác tại các xã có rừng. Hiện nay, việc kiểm tra, rà soát, quản lý các cơ sở này đã được huyện Đăk Hà triển khai quyết liệt. Ông Phạm Văn Sửu, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà nói: “ Huyện có 20 cơ sở mộc, trong đó có 3 cơ sở mộc có giấy phép cho phép hoạt động, nhưng hết thời hạn đã lâu, nên Hạt đã tiến hành kiểm tra và đình chỉ 17 cơ sở; còn 3 cơ sở thì kiến nghị với huyện xem xét thu hồi giấy phép hoặc cấp lại giấy phép mới”.

Cửa rừng đã đóng, tuy nhiên nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên để làm nhà cửa và các vật dụng trong gia đình của người dân tương đối lớn. Để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, thời gian qua huyện Đăk Hà đã khuyến khích, đẩy mạnh phong trào trồng các loại cây lấy gỗ phân tán trong cộng đồng, vườn nhà, ngoài rẫy. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sớm thay đổi thói quen sử dụng các vật liệu thay thế gỗ tự nhiên trong mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị. Có như vậy thì những cánh rừng mới được bảo vệ bền vững hơn.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *