(kontumtv.vn) – Khi miền Nam hoàn toàn giaỉ phóng, đất nước thống nhất, suốt một thời gian dài hàng trăm ha đất tại khu vực điểm cao 601 bị bỏ hoang do mật độ bom mìn dày đặc còn sót lại. Với quyết tâm làm hồi sinh khu vực này, xã Đăk La (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã động viên người dân khai hoang, phục hóa để phủ xanh vùng đất chết.

Thực hiện chủ trương này, nhiều hộ dân xã Đăk La đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy trong việc làm sạch bom mìn để cải tạo đất hoang hóa. Đất không phụ lòng người, đến nay trên vùng đất lắm bom nhiều đạn năm xưa, hàng chục ha cao su, bời lời, cà phê đã được người dân địa phương phủ xanh .ông Trần Văn Thìn (thôn 3, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) nói: “Đây là bãi chiến trường hồi xưa, hố đạn, hố bom dày dặc, hài cốt rất nhiều. Mất 3 năm chúng tôi mới làm thành được mảnh đất như thế này, sau đó huyện hỗ trợ cho cây giống, chúng tôi trồng cao su. Nay được mảnh vườn như vầy tôi mừng lắm”.

Cao su phủ xanh bãi chiến trường xưa
Cao su phủ xanh vùng chiến trường xưa

Ông Trần Đức Danh, thế hệ cán bộ đầu tiên của xã Đăk La kể: Với chủ trương giãn dân và đảm bảo lương thực sau ngày giải phóng, thị xã Kon Tum đã đưa khoảng 600 hộ dân lên xây dựng vùng kinh tế mới Ngô Trang, nay là xã Đăk La. Buổi đầu xây dựng khu dân cư ở đây vô cùng vất vả. Khó khăn lớn nhất là đối mặt với sốt rét, bệnh tật và bom mìn còn sót lại trong chiến tranh. Ông Trần Đức Danh nhớ lại: “Lên đây người dân làm hết sức cực khổ, dụng cụ lao động chẳng có gì, chỉ có cái cuốc, cái rựa, không có máy móc gì cả nên khai hoang tốn công rất nhiều, dân làm hết sức cực nhọc”.

Tuy phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, phải đổ bao mồ hôi và đôi khi cả máu, nhưng người dân xã Đăk La vẫn kiên cường, bám trụ để xây dựng vùng đất này trở thành vùng kinh tế trù phú. Với một ít ruộng lúa nước khai hoang ban đầu, đến nay diện tích lúa nước của xã đạt gần 240 ha. Diện tích cây công nghiệp cũng tăng đáng kể, với gần 700 ha cà phê, trên 2.300 ha cao su và nhiều loại cây trồng có giá trị khác. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, đến nay người dân xã Đăk La đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người gần 25 triệu đồng/năm. Bà con được đi lại trên những con đường làng bê tông, con em được học trong những ngôi trường khang trang. Sự đổi thay, phát triển trong từng khu dân cư và trong mỗi gia đình người dân, trong đó có gia đình anh A Duân (làng Kon Trang Mơ Nây). Mỗi năm từ vườn cà phê, bời lời và ruộng lúa nước, gia đình A Duân có nguồn thu cả trăm triệu đồng.

Khu vực điểm cao 601 vốn khốc liệt trong chiến tranh, hoang tàn sau ngày giải phóng, địa danh mà người dân quen gọi là “Dốc Đầu lâu” giờ đây đã là khu di tích lịch sử cấp tỉnh, với những công trình kiến trúc đẹp. Từ vị trí này có thể quan sát và thấy được sự đổi thay, phát triển của xã Đăk La – địa danh vốn là vành đai trắng trước khi đất nước được thống nhất, giờ đã là xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Kon Tum.

                                                          Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *