(kontumtv.vn) – Kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Ngọk (Đăk Hà, Kon Tum) đã và đang tận dụng tốt yếu tố này, góp phần sớm đưa địa phương về đích trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Với đặc điểm là xã thuần nông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, do đó khi thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Ngọk, đã tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành mối liên kết giữa các cá nhân sản xuất đơn lẻ với nhau, gắn kết với nhau cùng sản xuất những mặt hàng chủ lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thông qua đó, liên kết được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để chủ động đầu vào và nâng cao giá trị nông sản.

Xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà
Xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà

Đến nay, xã Đăk Ngọk có 11 tổ hợp tácvà 01 hợp tác xã. Trong những năm qua các tổ hợp tác đã phát huy được thế mạnh, đặc biệt là 02 tổ hợp tác thu gom rác thải sinh hoạt đã góp phần làm xanh – sạch – đẹp môi trường sống của nhân dân trong xã. Các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả như Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi, Tổ hợp tác Rau an toàn thôn Đăk Bình, Tổ hợp tác Đánh bắt thủy sản thôn Đăk Xuân. Hàng năm  các tổ hợp tác này đã chủ động được đầu vào, đầu ra của sản phẩm, xuất ra thị trường lượng hàng hóa lớn, góp phần tạo thu nhập ổn định cho tổ viên. Ông Nguyễn Công Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ngọk nói: “Xã cũng rất quan tâm, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, xã đã phối hợp với các ban, ngành cấp trên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con. Cái liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm đối với doanh nghiệp thì cũng đẩy mạnh các tổ hợp tác liên kết nhau để vừa đảm bảo đầu vào, hạ giá thành đầu tư và cũng vừa liên kết nhau tạo thành chuỗi để tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn”.

Không chỉ hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương, các mô hình kinh tế tập thể đã thể hiện được vai trò trong việc tập hợp, vận động người dân tham gia; thay đổi cách nghĩ, cách làm tiến bộ, hiện đại cho hội viên; giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển… Thông qua quá trình liên doanh, liên kết, đã đảm bảo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Sự phát triển đúng hướng của hợp tác xã và các tổ hợp tác, nhất là việc chú trọng phát triển các dịch vụ một cách hiệu quả, đã tạo động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Anh Đặng Văn Duẩn (Tổ hợp tác Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi) chia sẻ: “Trước kia chưa thành lập tổ hợp tác thì các hộ gia đình còn chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Bây giờ thì các hộ gia đình chăn nuôi mạnh dạn hơn, thành lập những trang trại, mở rộng diện tích lớn hơn. Rồi họp lại, xem chăn nuôi nó có những cái gì như dịch bệnh nó xảy ra làm sao thì bàn bạc nhau, chia sẻ nhau về vấn đề khoa học kỹ thuật, ai biết gì thì chỉ người đó”.

Đến nay, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà đã đạt 15/19 tiêu chí và đang phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Việc phát huy vai trò của các hình thức tổ chức sản xuất tập thể không chỉ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của thành viên và người lao động mà còn đóng góp tích cực vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như làm đường bê tông liên thôn, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự… Đây chính là nền tảng kiến thiết nông thôn mới tại các địa phương.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *