(kontumtv.vn) – Cần thực hiện dân chủ để chọn được những cán bộ năng lực cũng như kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người cũng đã nói: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Tư tưởng của Người về cán bộ và sử dụng cán bộ là những di sản vô giá.

Trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau của lịch sử, công tác cán bộ vẫn là một bộ phận không thể thiếu trong đường lối cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã và đang kiên trì thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định tập thể về công tác cán bộ.

Thời kỳ đổi mới, công tác cán bộ đặt ra nhiều thách thức, những nhiệm vụ mới, phức tạp, khó khăn hơn. Các Đại hội toàn quốc của Đảng đều đề ra chủ trương giải pháp phát huy dân chủ trong công tác cán bộ. Nhiều hội nghị Trung ương ra nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, đề cập nhiều đến nội dung về phát huy dân chủ trong công tác cán bộ…

Phát huy dân chủ trong công tác cán bộ

Theo PGS.TS. Bùi Đình Trí, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, để phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, một trong những nguyên tắc quan trọng là: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, không chỉ với cán bộ trong Đảng mà với đội ngũ cán bộ nói chung. Đảng quyết định chủ trương, cơ chế quản lý đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ. Việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo các đơn vị cần thực hiện dân chủ để chọn được những cán bộ, đảng viên thực sự có phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực lãnh đạo, được tập thể đảng viên và quần chúng tín nhiệm.

dan chu trong cong tac can bo: dung cam thay the can bo yeu kem hinh 0
TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương 

“Đánh giá cán bộ nhìn chung là một khâu khó trong công tác cán bộ, do vậy cần tuân thủ nguyên tắc công khai nội dung, tiêu chuẩn và phương pháp tiến hành đánh giá và bảo đảm tính công bằng, khách quan. Đánh giá cán bộ cần bảo đảm tính toàn diện, xem xét tới tất cả các mối liên hệ trực tiếp, gián tiếp, khách quan, chủ quan trong mọi mặt công tác của cán bộ. Đánh giá cán bộ theo quan điểm phát triển, dự báo được khả năng, triển vọng, xu hướng phát triển của cán bộ. Đặc biệt, công tác đánh giá phải góp phần phát hiện cán bộ trẻ tài năng và sớm đưa họ vào quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng để trở thành nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận trong tương lai”- PGS.TS. Bùi Đình Trí phân tích.

TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cũng cho rằng, công tác quy hoạch cán bộ phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, từ khâu phát hiện đến tuyển chọn, đánh giá, đào tạo, bố trí, thử thách và đãi ngộ. Các khâu này đều rất quan trọng, có mối liên kết chặt chẽ với nhau, có mối quan hệ hữu cơ, thống nhất và bổ sung cho nhau.

“Trong phát hiện cũng như tuyển chọn, đánh giá, đào tạo, bố trí, thử thách và đãi ngộ đều phải thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, tự phê bình và phê bình”- TS Trần Văn Miều nói.

Dũng cảm thay thế những cán bộ yếu

TS Trần Văn Miều cũng cho rằng, trong phát hiện cũng như tuyển chọn, đánh giá, đào tạo, bố trí, thử thách và đãi ngộ đều phải thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, tự phê bình và phê bình. Thực hiện tốt những nguyên tắc nêu trên làm cho công tác quy hoạch cán bộ, trong đó có công tác quy hoạch cán bộ tham gia vào các cấp ủy Đảng được lựa chọn cẩn thận, có sự sàng lọc kỹ càng từ  cấp thấp lên cấp cao và tạo ra sự thống nhất cao trong nội bộ của Đảng. Làm như vậy, Đảng ta sẽ lựa chọn được những đảng viên có đủ tầm và đủ tâm để tham gia vào các cơ quan lãnh đạo và tạo nên sự đồng thuận cao trong Đảng và trong nhân dân.

Theo PGS.TS. Bùi Đình Trí, việc quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tế đội ngũ cán bộ, phải bảo đảm sự liên thông của cả đội ngũ cán bộ. Phải đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch. Thực hiện công khai trong công tác quy hoạch, công khai về tiêu chuẩn, số lượng và danh sách quy hoạch đã được cấp trên phê duyệt. “Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch phải bảo đảm 1,5-2 lần; mỗi chức danh quy hoạch 2-3 người; một người quy hoạnh 2-3 chức danh; không quy hoạch một người cho một chức danh”.

PGS.TS. Bùi Đình Trí cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cải tiến cách thức tuyển chọn, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm cán bộ để chọn đúng người, bố trí đúng việc. Thực hiện quy chế cho thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. “Kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, để việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” được thực hiện bình thường trong bố trí, sử dụng cán bộ”. Chính sách cán bộ là thực hiện chế độ đãi ngộ phù hợp với vị trí, vai trò của cán bộ, công chức. Chính sách cán bộ công chức phải trở thành nguồn động lực để cán bộ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo”.

Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ cần nghiên cứu, ban hành quy định trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phát huy và đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

“Trong công tác cán bộ, tổ chức đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dựa trên sự tín nhiệm của tập thể, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan”- PGS.TS. Bùi Đình Trí đề xuất.

TS Trần Văn Miều cũng cho rằng, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong các cấp ủy Đảng với thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Một khi người đứng đầu gương mẫu thì mọi ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và đảng viên sẽ học tập noi theo. Người đứng đầu trong các cấp ủy Đảng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, cần lựa chọn để bầu ra Bí thư các cấp ủy Đảng có đủ tầm và đủ tâm, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, trong công tác nhân sự cũng phải lấy tiêu chuẩn yêu cầu công việc là chính, sau đó mới tính đến các tiêu chí khác. Đã hội nhập sâu mà không lấy tiêu chuẩn với công việc làm chính thì không bao giờ  đuổi kịp được với thế giới. Vì thế, phải khắc phục ngay hiện tượng cào bằng, nếu không sẽ không thu hút được người tài trong các cơ quan Nhà nước./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *