(kontumtv.vn) – Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa dân tộc rất ít người Rơ Măm (Sa Thầy, Kon Tum) từng bước đổi thay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt, theo đó mối đe dọa suy thoái giống nòi được đẩy lùi.

Nói về kết quả vận động xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn ở khu dân cư, già làng A Long ở làng Le Rơ Măm phấn khởi cho biết, từ 5 năm trở lại đây, trong làng không còn xảy ra tình trạng kết hôn trong dòng họ. Con cái ông già cũng lấy vợ, lấy chồng ở làng khác, con cháu sinh ra khỏe mạnh, được học hành. Kể về tình trạng hôn nhân cận huyết thống của dân tộc Rơ Măm trước đây, già A Long cho biết: “Lấy nhau trong làng, lấy trong dòng họ, thậm chí con anh, con em cũng có, hồi xưa là như vậy. Thứ hai là sinh con, đẻ cái thì sức khỏe không đảm bảo, có khi sinh ngày đó, ngày đó chết luôn. Hai ba ngày sau chết cũng có. Làng thì hồi xưa rất lạc hậu”.

Trẻ em chậm phát triển - Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống
Trẻ em chậm phát triển – Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống

Đã có thời điểm dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm sống ở làng Le, (xã Mô rai, huyện Sa Thầy) đối mặt với nguy cơ suy thoái giống nòi. Một trong những nguyên nhân chính đó là tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra phổ biến trong cộng đồng Rơ Măm. Hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống là vô cùng lớn. Tình trạng chết non, bệnh tật, tàn tật ở con trẻ của những gia đình hôn nhân cân huyết thống xảy ra rất nhiều. Trường hợp A Thân, con trai của anh A Then và chị Y H` Duy là điển hình. Anh A Then và chị Y H` Duy vốn là chị em con chú bác ruột. A Thân chính là kết quả của một gia đình hôn nhân cận huyết thống. Vì vậy, đã tám tuổi nhưng nhận thức của A Thân chỉ như đứa trẻ 1 tuổi. Em ít nói và đôi lúc không làm chủ được bản thân. Vì vậy, em không thể theo học chung với các bạn cùng trang lứa. Chị Y H` Duy, mẹ của A Thân nói: “Nó có biết học hành là gì đâu. Khi đến trường tôi mua cài này cái nọ cho nó đi học, nhưng nó ăn xong nó đi về. Cô bảo vào lớp nó không biết học, không biết chữ, có lúc trong lớp đái trong quần”.

Bà Y Dít, Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết: Trước đây, do quan niệm lạc hậu, sống cách biệt nên chuyện người trong dòng họ cưới nhau hay tảo hôn là phổ biến ở dân tộc Rơ Măm. Hệ lụy là sức khỏe sinh sản của bà mẹ, trẻ em của dân tộc Rơ Măm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt. Có được kết quả này là nhờ Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm, giúp đồng bào Rơ Măm định canh, định cư, nâng cao nhận thức. Bà Y Dít nói: “Đến thời điểm này, tảo hôn có xu hướng giảm nhiều so với 5 năm trước đây. Cận huyết thống thì trước đây nhiều cặp, đặc biệt là làng Le. Đến thời điểm này thì chấm dứt, không có tình trạng xảy ra hôn nhân cận huyết thống”.

Việc đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở dân tộc Rơ Măm là thành quả lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó đã nâng cao sức khỏe của đồng bào Rơ Măm, từng bước xóa bỏ những tập quán lạc hậu để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội.

                                                                        Văn Hiển – Công Luận                  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *