Ngoài 1 điểm mới là đàm phán giá và đấu thầu tập trung, các qui định còn lại chưa tháo gỡ được những vướng mắc lâu nay.

Gần 15 năm qua, vấn đề giá thuốc các bệnh viện và đặc biệt gần đây giá thuốc đấu thầu, bảo hiểm y tế các bệnh viện vẫn là điểm nóng trên nghị trường Quốc hội cũng như của dư luận xã hội. Vì giá thầu thuốc cao hơn giá thị trường và giá khấp khểnh giữa các tỉnh, các bệnh viện trong một tỉnh.

 

Để khắc phục tình trạng này, trong thảo luận ở tổ, hội trường và các hội thảo lấy ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị thiết kế riêng một Chương hoặc một Mục quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, do tính chất đặc thù và quan trọng của các mặt hàng này; đề nghị có chính sách ưu đãi trong đấu thầu thuốc đối với các nhà thầu sản xuất thuốc trong nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã quy định một Mục riêng về đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế.

Điểm mới duy nhất: Đàm phán giá và đấu thầu tập trung

Bày tỏ sự vui mừng trước việc có riêng một mục qui định về đấu thầu thuốc, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn  Tiền Giang) hy vọng từ nay không có bộ, ngành nào còn đổ lỗi cho việc mua thuốc chữa bệnh nhưng người mua phải tuân theo các quy định như mua xi măng, sắt thép; không mất cán bộ do sai sót đấu thầu thuốc như thời gian vừa qua ở một số tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn: “Quy định như dự thảo liệu có hiệu quả để giá thuốc đã qua đấu thầu không còn bị kêu ca, phàn nàn, chúng tôi thấy vẫn cần có thực tế để kiểm nghiệm”.

Theo đại biểu Tiên, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chưa có đánh giá tác động về các quy định mới về đấu thầu thuốc. Nó sẽ vào thực tế như thế nào? đây là thách thức rất lớn.

Thứ hai, đại biểu khẳng định không thấy có điểm mới, trừ nguyên tắc đàm phán giá và đấu thầu tập trung. Tương lai triển khai 2 biện pháp này, đại biểu Tiên thấy “rất mù mịt” do luật chúng ta chẳng có quy định lộ trình hay quy định số lượng, chủng loại cần phải đấu thầu để đàm phán. Thích thì làm không thích thì đợi. Như vậy họ cũng không vi phạm pháp luật và các tỉnh, các bệnh viện chắc là phải yên tâm thực hiện các quy định đấu thầu như hiện tại.

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình cao với việc có thêm hình thức đàm phán giá cho việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Nêu ý kiến cụ thể, đại biểu Ý Nhi cho rằng: Khoản 2, Điều 47 nên sửa đổi gói thầu mua thuốc thành mặt hàng thuốc, bỏ “chỉ có một đến hai nhà sản xuất” vì thường mỗi một mặt hàng thuốc chỉ có một nhà sản xuất. Cần có quy định về trường hợp đặc thù trong dự thảo bởi đàm phán giá cho trường hợp đặc thù vậy cần có quy định về các trường hợp đặc thù để tránh tạo kẽ hở và lúng túng khi đấu thầu nếu như thông tư hướng dẫn không làm rõ.

Nêu quan điểm về quy định việc mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp trung ương, khu vực, địa phương, đại biểu Ý Nhi đề nghị bỏ cấp khu vực. Vì nếu giữ nguyên trong dự thảo sẽ xảy ra hiện tượng trùng lặp khi thực hiện. Nếu mua thuốc tập trung ở cấp trung ương và địa phương như trong dự thảo luật và nghị định hướng dẫn thi hành luật thì sẽ được hiểu là đơn vị mua sắm tập trung thuộc bộ sẽ mua thuốc cho các cơ sở y tế thuộc bộ. Đơn vị mua sắm tập trung thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh, như vậy sẽ xảy ra việc cùng một mặt hàng thuốc trên cùng một địa bàn nhưng các cơ sở y tế thuộc trung ương, thuộc bộ và thuộc địa phương sẽ có giá thuốc khác nhau.

Đại biểu Ý Nhi cho rằng, nên qui định mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố và cấp cơ sở y tế thì phù hợp hơn bởi thực hiện như vậy sẽ có danh mục thuốc dùng cho cả nước, cho tỉnh, thành phố và cho bệnh viện tùy theo tiêu chí đưa ra quy định.

Theo nhận xét của đại biểu Ý Nhi, cả dự thảo luật và nghị định hướng dẫn chưa có điều nào đề cập đến chất lượng thuốc. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xác định rõ mục tiêu của việc mua thuốc tập trung, ví dụ thuốc phải có chất lượng tốt, giá hợp lý, thống nhất giá, cung ứng tốt, từ đó quy định chi tiết thành phần thành lập hoạt động của đơn vị mua sắm tập trung thuốc cho cấp quốc gia, cấp địa phương và các cơ sở y tế.

Nêu ý kiến về việc chỉ định thầu đối với mặt hàng thuốc, đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, chỉ nên quy định chỉ định thầu đối với các gói thầu mua thuốc hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh lớn xảy ra trên diện rộng có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố hoặc 1 tỉnh, thành phố nhưng ở mức độ nghiêm trọng. “Nếu quy định như dự thảo chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách thì vẫn còn chung chung” – đại biểu Tiến nói.

Trong dự thảo luật đề cập đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh đối với tư vấn dịch vụ hàng hóa xây lắp trong y tế, đặc biệt là trong thuốc. Đại biểu Tiến đề nghị cần làm rõ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để đảm bảo chỉ định thầu đề tài, dự án khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết trung ương 20 ngày 1/11/2012.

Cần lấp đầy các lỗ hổng

Để khắc phục tồn tại trong dự thảo này đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị thêm một Điều 47a quy định mua thuốc từ ngân sách. Theo đó, quy định rõ giá thuốc mua từ ngân sách sẽ do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, được áp dụng theo nguyên tắc đấu thầu tập trung, đàm phán hoặc chỉ định thầu ở cấp quốc gia hoặc trong trường hợp đặc biệt ở cấp tỉnh.

Theo đại biểu, số lượng tiền ngân sách dành mua thuốc tập trung trong trường hợp này ngày càng giảm dần. Quốc hội đang muốn giảm các chương trình mục tiêu quốc gia, cho nên những thuốc về lao, về sốt rét chắc chắn sẽ dồn sang quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Có chăng còn lại vacxin và một số loại thuốc trong trường hợp đặc biệt. Đại biểu Tiên ước tính, một năm mất khoảng vài trăm tỷ, do đó không cần thiết phải quy định quá chi tiết vấn đề này.

Việc xử lý đấu thầu mua thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế, đại biểu Tiên thống kê: Hiện nay có 1.143 loại thuốc hóa chất do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Chúng ta phải xem xem ai là người thực sự kiểm soát giá thuốc và chủng loại thuốc bảo hiểm y tế. Trong nhiều năm qua, tất cả các bệnh viện, bộ ngành, kể cả Bộ Y tế không ai biết giá thuốc bảo hiểm y tế thanh toán cao hay thấp, trừ cơ quan bảo hiểm xã hội, vì họ là người chi trả tiền thuốc và có hệ thống dọc trên cả nước. Cho nên khi lên khung cả nước thì thấy được những cái điểm vênh váo giữa các tỉnh, giữa các bệnh viện thấy “rất chướng”. Vậy việc sửa Luật lần này vai trò của bảo hiểm xã  hội sẽ thể hiện như thế nào? Đây là cơ quan vừa phải trả trong năm 2012 là 20 nghìn tỷ tiền thuốc. Họ phải kiểm soát thanh toán này như thế nào? Kiểm soát giá đấu thầu như thế nào? “Chẳng lẽ bảo hiểm xã hội lại cứ lẽo đẽo đi theo giải quyết hậu quả và phàn nàn trên báo chí là giá thuốc chỗ này cao, giá thuốc chỗ kia thấp” – đại biểu nói.

Tiếp đó, đại biểu Tiên khẳng định: Phải chỉ ra một cơ quan cụ thể và sau này có vấn đề gì xảy ra thì anh ấy phải chịu trách nhiệm, phải giải trình và phải tạo điều kiện cho anh ấy làm nhiệm vụ. “Hiện nay, 80% dân số là có bảo hiểm y tế, vì thế chốt bảo hiểm y tế là bảo hiểm xã hội phải chịu trách nhiệm cùng với Bộ Y tế. Nhưng bảo hiểm xã hội phải là người chịu trách nhiệm chính”.

Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung thêm Điều 48a hoặc là một khoản trong điều này quy định về trách nhiệm bảo hiểm xã hội Việt Nam. Họ phải đề xuất lộ trình danh mục thuốc bảo hiểm y tế để Bộ Y tế ban hành việc đấu thầu tập trung, đàm phán giá, phải có lộ trình rõ ràng, lúc nào thì làm và làm bao nhiêu loại. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm phải tham gia toàn bộ các khâu của quá trình đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế, vì họ là người trả tiền để giám sát việc đấu thầu có nghiêm túc không?

Cơ quan bảo hiểm có quyền không chi trả tiền thuốc bảo hiểm y tế nếu kết quả giá thuốc cùng chủng loại, cùng chất lượng mà lại cao hơn quá mức so với mức chung của cả nước. Bởi vì thực tế hiện nay xảy ra tình trạng có những nơi cao gấp hai, gấp ba lần nhưng không làm thế nào được, vì tất cả đều đúng.

Đại biểu Tiên cũng băn khoăn về quy định Hội đồng tư vấn quốc gia quản lý về thuốc do Bộ Y tế thành lập và Bộ Y tế làm chủ tịch như vậy là không hiệu quả. “Vì chưa bao giờ Bộ Y tế kêu ca về giá thuốc, chưa bao giờ Bộ Y tế nói là giá thuốc cao quá hay thế nào. Bộ Y tế và Bộ Tài chính luôn luôn đá quả bóng cho nhau về việc này. Do đó, hội đồng này phải do Bộ Tài chính hay bảo hiểm xã hội làm chủ tịch thì mới có hiệu quả” – đại biểu Tiên nói.

Đối với hóa chất và vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, thời gian qua, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp các mặt hàng này vẫn được thực hiện theo quy trình như đối với hàng hóa thông thường, thực tế không phát sinh vấn đề vướng mắc, bức xúc. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định trong Luật những đặc thù riêng cho nội dung này.

Tuy nhiên, đại biểu Tiên đề nghị vật tư y tế, hóa chất, thiết bị điều trị rất nhiều loại đắt tiền và dùng để điều trị chứ không phải là chẩn đoán, ví dụ như van tim, chỏm khớp, giá đỡ động mạch vành có giá hàng mấy nghìn USD và sử dụng rất nhiều tại các bệnh viện và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. “Vậy tại sao họ lại đấu thầu theo loại thông thường mà không quy định theo đấu thầu loại thuốc nó cũng là một dạng để điều trị. Tôi đề nghị trong Mục 3 nên ghi: thuốc và vật tư y tế” – đại biểu Tiên nói./.

Vũ Hạnh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *