(kontumtv.vn) – Việc đầu tư cho văn hóa thực chất là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững.   

Năm 1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 8) ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Được đặt đúng tầm mức, văn hóa đã thực sự trở thành mục tiêu và động lực trong xây dựng xã hội mới, con người mới. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này mà thời gian tới chúng ta phải kiên quyết khắc phục.

Sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) được ban hành, Đảng và Nhà nước có nhiều nỗ lực cả về định hướng, chính sách cho đến các chương trình, dự án cụ thể nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thực hiện được gần một nửa chặng đường, hướng mọi hoạt động vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa…

Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc phải được coi trọng

Việc bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc được coi trọng, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Tuy nhiên, năm 2013, Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) cũng chỉ rõ những yếu kém, thiếu sót, mà biểu hiện rõ nhất là nhân cách văn hóa của người Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có trách nhiệm từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Sự tha hóa, lối sống xa hoa, phù phiếm, giả dối có xu hướng ngày càng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức ngày càng lan rộng. Có nhiều cách lý giải, nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước được xem là một nguyên nhân quan trọng. Hệ thống văn bản pháp qui về văn hóa chưa thích ứng được với kinh tế thị trường. Nhận thức của cán bộ làm văn hóa ở nhiều nơi chưa đúng đắn, còn lúng túng trước những biểu hiện mới. Không ít cấp ủy Đảng, chính quyền hiểu đơn giản là phải tìm cách tăng kinh phí cho ngành văn hóa, dẫn tới thực hiện xã hội hóa bằng mọi cách, gây biến dạng di sản, lai căng lễ hội,… và nhiều vấn đề bức xúc khác nữa.

Văn hóa xuống cấp làm suy giảm kinh tế, làm xấu đi hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam và có thể còn làm chệch hướng phát triển. Đó là một nguy cơ lớn, là nguy cơ của mọi nguy cơ, đặc biệt khi chúng ta hội nhập với thế giới. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, vì vậy, không có nghĩa là xã hội hóa bừa bãi, mà cần thay đổi cách nhìn, nhận thức về xây dựng nền văn hóa.

Đầu tư phát triển kinh tế là đầu tư cho văn hóa nếu từng chương trình, dự án đều tính đến yếu tố văn hóa, tính đến sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, dân tộc. Đầu tư xử lý chất thải, bảo vệ môi trường là đầu tư cho văn hóa. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, cải cách căn bản và toàn diện giáo dục, xóa bỏ vùng cấm trong phòng chống tham nhũng, cải cách thể chế, mở rộng dân chủ, tinh giản và nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lí nhà nước,… tất cả cũng là đầu tư cho văn hóa. Vì vậy mới nói văn hóa là mục tiêu. Đến lượt mình, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực, nên đầu tư cho văn hóa thực chất là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững.

Sau Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) được coi như cương lĩnh văn hóa của thời kì mới. Trong những năm tới, việc này cần đặt trong bối cảnh thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Khắc phục yếu kém về văn hóa phải bắt đầu từ văn hóa, nhưng không chỉ bằng văn hóa. Trong nền kinh tế thị trường mở cửa làm sao để hòa nhập mà không hòa tan, làm sao giữ được bản sắc khi mà cái gì cũng được đong đếm bằng tiền?

Nếu những câu hỏi ấy không thường trực trong đầu mỗi người, trước hết là những người làm văn hóa, quản lý văn hóa, thì chúng ta chẳng những tiếp tục mất đi những giá trị cốt lõi mang bản sắc dân tộc đậm đà, mà có thể còn rơi vào tình trạng ngộ độc khi tiếp thụ toàn những thứ lai căng, thậm chí là phản văn hóa.

Sự xâm lăng văn hóa diễn ra từ từ, chậm rãi, nhưng khi mất đi là không bao giờ khôi phục lại được nữa. Nó gặm nhấm dần dần mà có thể mất hết rồi vẫn không hiểu tại sao. Vì vậy, cùng với hệ thống luật pháp, chính sách để xây dựng và bảo vệ chuẩn mực văn hóa, định hướng hành vi của từng cá nhân, nhóm người, cộng đồng và toàn xã hội, cần có nhiều thiết chế khác cùng tham gia mới đủ sức đề kháng trước nguy cơ có thực ấy./.

Giang Trung Sơn/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *