(kontumtv.vn) – Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, hệ lụy của nạn nghiện game online và tai nạn thương tích ở trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn hữu hiệu… Vì vậy, công tác truyền thông, tư vấn ngay trong nhà trường được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong công tác truyền thông năm nay. Qua các đợt tuyên truyền tại một số trường học trên địa bàn huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Hiệp Đức nhằm giúp cho các em học sinh bậc trung học được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng trong phòng tránh bạo lực học đường và những vấn nạn mà các em luôn là đối tượng dễ bị tiêm nhiễm và lôi kéo nhất.
2 nội dung là phòng tránh bạo lực học đường và những tác hại của nạn nghiện game online luôn là những nội dung được ưu tiên trong công tác truyền thông của Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam trong năm 2019 này ở các trường tiểu học, trung học cơ sở. Tại Trường THCS Kim Đồng, huyện Núi Thành, các đối tượng học sinh được lựa chọn tham gia lớp tập huấn là những thành viên ban cán sự lớp và những em học sinh có nguy cơ nằm trong diện bị bạo lực học đường và nhất là nghiện game online. Cô giáo Phạm Thị Thanh Tuyền, Trường THCS Kim Đồng nói: “Nhà trường muốn mang tính giáo dục cao cho các em nên khi chọn đối tượng sẽ chọn 30% học sinh là ban cán sự lớp, còn 70% học sinh là những đối tượng cần được tư vấn về phòng chống bạo lực học đường, nạn nghiện game online. Khi chọn đối tượng như vậy, cảm giác của các em sẽ không bị phản cảm và tất cả học sinh sẽ tham gia đầy đủ”.
“Sau buổi tuyên truyền hôm nay, em sẽ có trách nhiệm tuyên truyền lại cho các bạn khác về những nguy hại của bạo lực học đường, nghiện game và cách phòng tránh để từ đó các bạn rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình”. Em Nguyễn Hoàng Quốc Bảo, học sinh nhà trường chia sẻ.
Theo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam, việc tuyên truyền sẽ không chỉ bó hẹp trong hai nội dung phòng tránh bạo lực học đường và nghiện game online mà sẽ mở rộng ra và dựa trên yêu cầu của các trường được truyền thông tư vấn. Bên cạnh đó, các đối tượng là những người làm công tác trẻ em ở các địa phương cũng sẽ được khuyến khích tham gia vào các lớp tập huấn này. Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tùy theo nhu cầu của từng trường, nếu trường có tình trạng bạo lực thì người ta sẽ mong muốn nói về chủ đề phòng tránh bạo lực học đường, chúng tôi sẽ nói về bạo lực học đường. Nếu có nguy cơ về xâm hại tình dục thì chúng tôi sẽ tập trung đi sâu vào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lồng ghép thêm vào những nguy cơ đối với trẻ em hiện nay ví dụ như bị bạo lực, bắt nạt thông qua mạng xã hội cũng như tình trạng mua bán, bắt cóc trẻ em…”.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bạo lực trẻ em rất phổ biến ở Việt Nam, có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục… Và trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Đáng lo là tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Vì vậy việc trang bị kiến thức, kỹ năng sẽ giúp cho các em có thể phòng tránh được hệ lụy từ vấn nạn bạo hành, xâm hại vẫn còn ở mức cao tại nước ta hiện nay.
Trần Đức
Đài PT-TH Quảng Nam