(kontumtv.vn) – Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Chúc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.

Phóng viên Tấn Thành: Rất cảm ơn bà đã tham gia buổi trao đổi với phóng viên chúng tôi. Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị sau 5 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Chúc: Có thể nói là qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 trên địa bàn tỉnh ta về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã đạt được những kết quả khá quan trọng, thể hiện ở 5 điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của các cấp ủy đã tiến hành rất đồng bộ, kiên quyết, đảm bảo theo đúng chỉ đạo đã được xác định tại Chỉ thị số 3 của Bộ Chính trị. Trong đó có các chuyên đề về quán triệt, nâng cao nhận thức trên toàn địa bàn được các cấp ủy Đảng thực hiện rất nghiêm túc.

Thứ 2 là việc đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đưa các nội dung, các việc làm cụ thể về việc thực hiện Di chúc của Bác vào sinh hoạt thường xuyên ở các tổ chức cơ sở Đảng, ở các chi bộ gắn với việc triển khai Nghị quyết TW4, khóa XI. Việc kiểm điểm đó đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Thứ 3 là trong quá trình thực hiện triển khai Chỉ thị trên địa bàn, các cấp ủy đã chỉ đạo một cách nghiêm túc tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, căn cứ vào thực tiễn và hoạt động cụ thể của mình, xây dựng được chuẩn mực đạo đức một cách xác thực với những việc làm cụ thể, thiết thực đối với lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị, từng địa phương để đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là đẩy mạnh việc làm theo một cách hiệu quả.

Thứ 4 là trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này, nhiều địa phương, nhiều đơn vị đã sáng tạo ra những cách làm mới, những cách làm hay; đặc biệt là đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều điển hình tiên tiến.

Trong quá trình triển khai Chỉ thị trên địa bàn, hoạt động tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai bằng nhiều hình thức rất phong phú. Chẳng hạn như tổ chức các giao lưu, tọa đàm, các hội thi kể chuyển, các mô hình như “Tiếng kẻng học tập”, “Tiếng kẻng an ninh”, các hoạt động sáng tác quảng bá về chủ đề này đã được triển khai rất nghiêm túc.

Điểm mạnh thứ 5 về kết quả thực hiện, đó là công tác sơ kết, tổng kết cũng như kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các được các cấp ủy trên toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Qua việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết đã chấn chỉnh những yếu kém, những cái còn lúng túng.

PV phỏng vấn Bà Hoàng Thị Chúc, Phó Trưởng Ban Tuyên gióa Tỉnh ủy Kon Tum
PV phỏng vấn Bà Hoàng Thị Chúc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

Phóng viên Tấn Thành: Một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là gì? Và đâu là giải pháp khắc phục, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Chúc: Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng về nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 3. Việc xây dựng kế hoạch về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hàng năm của một số cấp ủy, địa phương còn gặp những lúng túng. Việc xác định nội dung sinh hoạt chuyên đề đưa vào sinh hoạt chi bộ trong tổ chức cơ sở Đảng về làm theo lời Bác thì có 1 số tổ chức Đảng còn lúng túng. Trong quá trình tuyên truyền thì có lúc, có nơi nội dung vẫn còn chung chung, chưa sâu sát.

Để tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là đẩy mạnh làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn thời gian đến hiệu quả hơn, thì chúng ta cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất là các cấp ủy, các cơ sở Đảng trên địa bàn cần phải năng động, sáng tạo, tìm ra cách thức để triển khai phù hợp với đặc thù của mình; phải có cách thức để nhân rộng cách làm hay, những mô hình phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương.

Thứ 2 là các cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu của cấp ủy cũng như người đứng đầu của cơ quan, đơn vị phải tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, phương châm là trên phải gương mẫu đi trước, làm trước.

Thứ 3 là cần tiếp tục đổi mới nội dung sinh hoạt của các tổ chức Đảng, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt việc gắn học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, Đảng bộ. Hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05 về việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị này bao hàm rất rộng, cả về tư tưởng Hồ Chí Minh, cả về đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là nhấn mạnh về phong cách Hồ Chí Minh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu để thực hiện chỉ thị này trên địa bàn tỉnh, làm sao đáp ứng yêu cầu đề ra để cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức sâu sắc việc này, trở thành việc làm tự giác trong toàn xã hội.

Phóng viên Tấn Thành: Để đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác thì việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu là rất quan trọng. Vậy trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình, điển hình tiêu biểu cụ thể nào để có thể triển khai nhân rộng trong thời gian đến, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Chúc: Chúng tôi cũng xác định để đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì việc phát hiện, nhân rộng mô hình, điển hình rất là quan trọng, bởi vì học Bác là học những cái cụ thể, giản dị, bình dị hằng ngày. Đó là thực tiễn nảy sinh trong đời sống xã hội. Ví dụ từ cách ăn, cách nói, cách tiếp xúc, cách hoạt động, cách ứng xử trong đời sống xã hội. Cho nên trong 5 năm qua, từ việc triển khai Chỉ thị tại các địa phương, chúng tôi đã rất chú ý phát hiện và nhân rộng các mô hình này. Một số mô hình nổi trội như mô hình sinh hoạt tư tưởng thứ 2 hàng tuần tại huyện Đăk Hà, tại thành phố Kon Tum, mô hình này đã được nhân rộng tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình “ngân hàng cộng đồng” tại các thôn đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đăk Hà, đến nay đã được nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa noi theo. Không chỉ các địa phương trong tỉnh, các vùng đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã  có những mô hình “ngân hàng cộng đồng” như thế này. Mô hình cũng rất hiệu quả đó là mô hình nuôi heo đất, mô hình hũ gạo tình thương để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn của Hội Phụ nữ các phường của thành phố Kon Tum. Mô hình thực hành tiết kiệm trong đám cưới, đám tang, đám giỗ của xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy.

Điển hình này không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, các vị hoạt động xã hội, mà đi sâu vào những điển hình thực sự nổi trội làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong mọi tầng lớp nhân dân như già làng, các trưởng thôn và những người dân bình thường ở các địa phương, ở vùng sâu, vùng xa, đã có những hoạt động rất hữu ích trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Phóng viên Tấn Thành: Vâng, xin chân thành cảm ơn bà!

Tấn Thành­

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *