(kontumtv.vn) – Tại diễn đàn Quốc hội, các ĐB đề nghị Bộ trưởng có biện pháp gì khắc phục trong thời gian tới.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận chiều 12/6, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học khiến mọi thứ dồn lên đầu cô giáo. Theo ĐB Nông Thị Bích Liên: Bên cạnh ưu điểm của Thông tư, thì nhiều giáo viên đánh giá là công việc của họ trở nên nặng nề và vất vả hơn trước.

ĐB Phương Thị Thanh cho rằng, việc đánh giá gây áp lực lớn cho giáo viên, nhiều khi còn hình thức. Bà Phương Thị Thanh cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án đánh giá học sinh tiểu học ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số?

Việc không chấm điểm HS tiểu học gây ý kiến trái chiều trong dư luận

ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng, Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc khen thưởng cuối năm ở các trường; tình trạng một số giáo viên đánh giá khắt khe, học sinh chỉ được giấy khen xuất sắc nếu được giải thưởng cấp thành phố, quận huyện; nhưng có trường rất dễ, em nào cũng khen.

Đặc biệt trong năm nay, trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của cha mẹ học sinh có con học tiểu học không biết khen thưởng các cháu như thế nào vì không có xếp học lực. Tại diễn đàn Quốc hội, các ĐB đề nghị Bộ trưởng có biện pháp gì khắc phục trong thời gian tới.

Miền núi thực hiện tốt hơn?

Theo giải trình của Bộ trưởng, Thông tư 30 khiến công việc của giáo viên nặng lên là có thật. Nguyên nhân đó là lớp học đông, lên đến 60 cháu, cho nên việc quan tâm tới từng cháu một sẽ dẫn tới công việc tăng lên. Việc đánh giá cũng mới làm thầy cô giáo cũng chưa quen, cho nên vất vả.

Một số quy định cũ đã có quyết định hủy bỏ nhưng chưa được triển khai nghiêm túc, một số thói quen cũ chưa thay đổi kịp. Lấy ví dụ như quyển sổ giáo viên, đây là quyển sổ tay để cô giáo ghi nhớ những điều cần phải lưu ý đối với từng học sinh, cần phải trao đổi với các phụ huynh…

Nhiều năm rồi, quyển sổ này trở thành chứng cứ để hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá xem cô giáo có làm tốt không; Phòng GD kiểm tra xem trường làm có tốt không. Thế nên cô giáo ngày nào cũng ghi, cho nên nó trở nên lệch lạc và cần phải chấn chỉnh. Thậm chí biến việc này thành hình thức đối phó.

“Chúng tôi đang có kế hoạch chấn chỉnh để giảm công việc hành chính không cần thiết của giáo viên, để các thầy cô tập trung vào nhiệm vụ chính là hướng dẫn, tư vấn, cố vấn, giảng dạy cho các em học sinh” – Bộ trưởng khẳng định.

Thực tế triển khai Thông tư này ở các tỉnh miền núi, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình cho triển khai thí điểm, Bộ ý thức được là phải triển khai được trên phạm vi cả nước, nên đã cho triển khai ở rất nhiều tỉnh miền núi, ở trường có đông các cháu học sinh dân tộc. Kết quả cho thấy, những trường càng ở vùng khó khăn thì việc triển khai lại nhẹ nhàng, hiệu quả.

“Ở Lào Cai, tôi đã lên tận nơi không phải một lần. Ở Nghệ An, tôi vào vùng sâu cũng không phải một lần… Tôi thấy rất là tốt, không có vấn đề gì cả” – người đứng đầu ngành Giáo dục chia sẻ.

Khi thực hiện có những “chuệch choạc”

Về chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Minh, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học từ kết quả điểm sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm tại kỳ thi học kỳ, cuối năm là bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai ở các nước có nền giáo dục phát triển. Quá trình này nhằm thay đổi chất lượng học của các cháu, từ chỗ vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất con người trong quá trình phát triển.

Bộ trưởng cho biết: “Quá trình này đã được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu thực tế với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia quốc tế và triển khai thí nghiệm trong 3 năm trên 1.000 trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đồng loạt từ năm học vừa qua phát sinh những “chuệch choạc” nhỏ, ví dụ vấn đề khen thưởng, có chỗ khen ngặt quá, chỗ thì rộng rãi quá. Cũng có ý kiến gia đình không biết điểm số nên không biết lực học các cháu như thế nào”.

Ông Phạm Vũ Luận khẳng định: Bước đầu làm chưa quen, chúng tôi sẽ có những chấn chỉnh. Còn qua thăm dò cho thấy qua việc này, tình trạng học thêm, dạy thêm giảm. Thứ hai là cân chỉnh lại động lực học tập của các cháu. Thứ ba, tránh được sự phân loại, ví dụ như các cháu học yếu hơn các bạn có cảm giác tự ti dẫn đến chán học; các cháu được điểm giỏi thì chủ quan, sự chủ quan này duy trì mãi lớn lên sẽ dẫn đến tự mãn…

Tất cả những điều này được khắc phục. Bộ đang tiếp tục lắng nghe để có sự điều chỉnh, tập huấn cho các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục./.

Lại Thìn/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *