(kontumtv.vn) – Trong điều kiện hiện nay, để phân bổ các nguồn lực của Nhà nước đảm bảo sự minh bạch và có hiệu quả, phải đoạn tuyệt với cơ chế bao cấp, “xin-cho”.

Trong nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế Nhà nước luôn được xác định “giữ vai trò chủ đạo”. Đó là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta. Qua các kỳ Đại hội, quan niệm về vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước có những thay đổi về chất, càng về sau càng toàn diện và hợp lý hơn. Sự thay đổi này phù hợp với những thay đổi về nhận thức đối với thành phần kinh tế Nhà nước, đối với vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quản lý kinh tế.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định mạnh mẽ  hơn tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Đại hội XII đã xác định rõ hơn đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Ngoài các đặc trưng mà các Đại hội trước đây đã nêu, lần đầu tiên Văn kiện Đại hội XII đã bổ sung thêm các đặc trưng mới, khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng XHCH ở Việt Nam là nền kinh tế được vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế…

Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo có thực sự cần thiết?

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và thời gian phát triển đến nay vừa tròn 30 năm. Do vậy, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một quá trình hoàn thiện, đổi mới và sáng tạo không ngừng trong nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn. Các  văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã kế thừa, làm rõ là thể hiện bước phát triển mới trên nhiều luận điểm quan trọng, trong đó có nhiều luận điểm lần đầu tiên được đề cập. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế” lần đầu tiên trong Văn kiện đề cập nhưng rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước ta hiện nay, phản ánh tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thị trường thế giới.

de kinh te phat trien, phai doan tuyet co che "xin-cho" hinh 0
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là thực sự cần thiết (Ảnh minh họa: KT)

Theo TS Lê Hữu Thành, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói đến vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của một bộ phận kinh tế nào đó nghĩa là đến tầm quan trọng của nó và tính chất quyết định của nó đối với chế độ xã hội nào đó. Bộ phận kinh tế chủ đạo đó phải chi phối và dẫn dắt các bộ phận kinh tế khác cùng phát triển. “Vậy câu hỏi đặt ra là trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, việc xác định “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” có thực sự cần thiết và đúng không?”.

TS Lê Hữu Thành cho rằng, xét về 3 khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, có thể khẳng định trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là cần thiết và đúng đắn. Kinh tế Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.

“Thành phần kinh tế Nhà nước không chỉ bao hàm doanh nghiệp Nhà nước mà còn bao hàm sức mạnh kinh tế đứng đằng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước, bao hàm khả năng tổ chức và hoạch định chính sách đúng đắn của Nhà nước, bao hàm sự gắn kết hợ lý của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, tại chính Nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Với sức mạnh kinh tế tổng hợp đó, thành phần kinh tế Nhà nước có khả năng tạo ra các điều kiện vật chất, các tiền đề kinh tế-xã hội để phát triển tất cả các thành phần kinh tế”- TS Lê Hữu Thành nhấn mạnh.

Về mặt chính trị, theo TS Lê Hữu Thành, kinh tế Nhà nước là “hòn đá thử vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng XHCN trong tiến trình phát triển kinh tế. Nhà nước ta là Nhà nước XHCN, để giữ vững định hướng XHCN, cần thiết phải khẳng định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và thành phần này phải ngày càng phát triển trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. “Nếu không củng cố và tăng cường kinh tế Nhà nước thì không thể nói tới CNXH, không thực hiện tốt vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước thì cũng không thể nói tới định hướng XHCN, nói tới con đường đi lên XHCN”.

Phải đoạn tuyệt với cơ chế bao cấp, “xin-cho”

TS Lê Hữu Thành cho rằng, việc khẳng định thành phần kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt đối xử hay hạn chế các thành phần kinh tế khác. Mà ngược lại, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế nhà nước, để kinh tế Nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò chủ đạo của mình.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, việc xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế hoàn toàn không hàm ý sự phân biệt đối xử, mà với ý nghĩa là tùy thuộc vào chức năng của mỗi thành phần kinh tế để xác định vai trò của chúng. Kinh tế Nhà nước với các nguồn lực, công cụ, chính sách của mình chủ đạo trong việc định hướng và điều tiết nền kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế, các lĩnh vực an ninh-quốc phòng và một số hoạt động đầu tư mạo hiểm…

Ở trình độ còn phát triển chưa cao như nền kinh tế nước ta, Nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội. Nhà nước sử dụng các nguồn lực của mình, cùng các công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế. “Trong điều kiện hiện nay, việc phân bổ các nguồn lực của Nhà nước không thể theo ý muốn chủ quan, bất chấp quy hoạch và kế hoạch phát triển mà phải theo các tín hiệu tích cực của thị trường, đảm bảo sự minh bạch và có hiệu quả. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đoạn tuyệt dứt khoát với cơ chế bao cấp, “xin-cho”… Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đẩy nhanh các tiến trình cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân sách Nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, chú trọng xử lý vấn đề nợ xấu và nợ công…”-GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phân tích.

TS Phạm Việt Dũng, Tạp chí Cộng sản cho rằng, để hoàn thiện hơn khái niệm về kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần làm rõ hơn một số nội dung, trong đó có nội dung về vai trò của kinh tế Nhà nước. Theo TS Phạm Việt Dũng, với việc xác định kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo, nên hiểu thế nào là vai trò chủ đạo. Chủ đạo ở đây hiểu theo nghĩa là dẫn dắt, định hướng hay hiểu theo nghĩa tăng quy mô và tỷ trọng?  “Cần làm rõ phát triển kinh tế Nhà nước là mục tiêu hay là phương tiện để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Chúng ta đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, khi những yếu tố của quan hệ sản xuất XHCN đang trong quá trình hình thành, trong đó nhiều yếu tố còn ở trình độ sơ khai, các thành phần kinh tế cũng đang trong quá trình phát triển, đang được khẳng định mình dưới sự dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước.  Và nếu thế, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo chứ không phải là kinh tế Nhà nước, bởi nhà nước với vai trò định hướng, dẫn dắt và quản lý sự phát triển sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển theo định hướng XHCN”.

TS Phạm Việt Dũng cũng đặt ra câu hỏi, với vai trò của mình, Nhà nước can thiệp và điều tiết nền kinh tế ở mức độ nào.? Nhà nước có nên làm những điều mà thị trường có thể làm? Nhà nước có nên tham gia kinh doanh hay đứng ngoài kinh doanh, thực hiện chức năng và sứ mệnh của mình?

Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì  Nhà nước phải có một lực lượng kinh tế đủ mạnh để làm chỗ dựa cho sự điều tiết. Với ý nghĩa đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo GS.TS Đỗ Thế Tùng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “kinh tế Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước, ngân sách Nhà nước, ngân hàng Nhà nước, các quỹ bảo hiểm Nhà nước, dự trữ quốc gia, các tài nguyên thuộc quyền sở hữu Nhà nước… Như vậy kinh tế Nhà nước có nội hàm rất rộng, liên quan tới mọi thành phần kinh tế, nếu coi nó chỉ là một thành phần sẽ hạ thấp vai trò của nó. Mặt khác, nòng cốt kinh tế của Nhà nước ở nước ta hiện nay là ngân sách nhà nước, còn các doanh nghiệp Nhà nước đóng góp chưa nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp nhà nước còn lãng phí, thua lỗ nặng, làm thiệt hại kinh tế Nhà nước thì không thể đóng vai trò nòng cốt”./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *