(kontumtv.vn) – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tin rằng thêm quy định dân trực tiếp bầu và giám sát Chủ tịch UBND phường ở nơi không có HĐND sẽ là “đột phá về dân chủ”.
Tại phiên họp của UBTVQH về dự thảo luật Chính quyền địa phương (CQĐP) sáng 20/1, có 2 phương án tổ chức mô hình chính quyền địa phương được đưa ra.
Phương án 1 là địa bàn nông thôn tổ chức cấp chính quyền đầy đủ HĐND và UBND ở 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; địa bàn đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền đầy đủ ở hai cấp tỉnh,thành và quận, tại các phường chỉ tổ chức cơ quan hành chính.
Phương án 2 là tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương đầy đủ ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Minh Thăng |
Các cơ quan tham gia soạn thảo và thẩm tra dự thảo luật nghiêng về phương án 1. Chủ tịch HĐDân tộc QH Ksor Phước cho rằng:
“Giám sát quyền lực quan trọng là giám sát người ra quyết định. Quyết định của cấp nào ảnh hưởng nhất đến dân? Theo tôi là cấp Chính phủ và tỉnh. Ở đô thị thì những thứ phục vụ nhân dân thường do cấp quận hoặc thành phố quản lý, làm có đúng luật không, lộng hành không, tham nhũng không là ở cấp này. Đại biểu HĐND dù là cấp nào cũng là đại biểu của dân, HĐND nên tập trung đến cấp quận, huyện thôi”, ông Ksor Phước nói.
Ở cấp phường không tổ chức HĐND thì nên để dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch HĐ Dân tộc QH đền ghị. Để giám sát quyền lực của UBND phường, theo ông, có thể tăng số lượng đại biểu HĐND cấp trên, giám sát quyền lực không nhất thiết phải cùng cấp.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nhiệm vụ của UBND và HĐND phường rất ít, vì cấp này không làm kinh tế, chỉ là thu tiền điện, nước, vệ sinh, lo trật tự an ninh.
Cấp phường có quyền lực lớn
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển lại nhấn mạnh nguyên tắc trong Hiến pháp, đó là ở đâu có chính quyền thì ở đó có đủ HĐND và UBND.
Khác Chủ nhiệm VPQH, ông Hiển cho rằng cấp phường là cấp quản lý nhiều và có quyền lực lớn, từ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, thu chi, quan hệ với người dân địa phương…, mà cấp quận không thể quản lý hết được.
Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, việc đánh giá HĐND một số cấp không hiệu quả là không thỏa đáng.
“Ở nước ta với đặc thù là một đảng lãnh đạo, ở đâu có UBND thì phải có HĐND để thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của chính quyền. Phát triển kinh tế xã hội ở phường và quận cũng phức tạp không khác gì huyện và xã, tại sao chỗ có HĐND chỗ không? Muốn làm mới nhưng liệu cái mới có thực sự tốt không hay chỉ làm rối” Nếu lấy ý kiến nhân dân, liệu người dân có đồng ý?”, ông Hiện đặt vấn đề.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Kỳ vọng đột phá về dân chủ
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai đưa ra kinh nghiệm của Nhật Bản 5 năm sau khi bỏ HĐND cũng bỏ luôn cấp hành chính và nhận định rằng đã để cấp hành chính thì phải có giám sát, đây là “cặp đôi hoàn hảo”.
Bà đề nghị đưa phương án 2 đưa lên thành phương án 1. Đồng thời, trong phương án chính quyền 3 cấp ở nông thôn và 2 cấp ở đô thị thì tăng thẩm quyền của HĐND quận và đưa vào quy định đột phá là dân bầu Chủ tịch UBND phường.
Theo Trưởng ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Nương, qua giám sát 11 tỉnh, trong đó có 6 tỉnh thí điểm không thực hiện HĐND huyện, quận, phường và 5 tỉnh tổ chức như luật hiện hành, có 8 tỉnh tha thiết đề nghị giữ các cấp chính quyền như hiện nay. Khi không có HĐND, ở các tỉnh này đã bổ sung ĐB HĐND cấp trên, tăng giám sát của MTTQ và các đoàn thể, nhưng vẫn không làm được.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định việc thí điểm bỏ HĐND báo cáo của các bên còn khác nhau, yêu cầu việc ” tổng kết đàng hoàng, báo cáo chính xác” và đưa ra một nhận định thống nhất trước trung ương và QH.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay để thuyết phục cho phương án 3 cấp ở nông thôn và 2 cấp ở đô thị sẽ có thêm quy định dân trực tiếp bầu và giám sát Chủ tịch UBND phường ở nơi không có HĐND.
Ông tin rằng đây sẽ là một “đột phá về dân chủ”.
Chung Hoàng/Vietnamnet