(kontumtv.vn) – Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có quy định xử phạt vượt đèn vàng ngang như vượt đèn đỏ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Mức phạt tiền cho hành vi vượt đèn vàng với ôtô có thể lên tới 2 triệu đồng và với mô tô, xe gắn máy là 300.000 – 400.000 đồng.

Trước ngày 1/8/2016, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ áp dụng Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014. Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt ở cả hai nghị định này còn thấp, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm luật giao thông còn cao. Bên cạnh đó, hai nghị định cũ quy định hành vi, nhóm hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xử phạt. Nghị định 46/2016 của Chính phủ ra đời nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đó, nhất là tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Có hơn 100 hành vi và nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ được điều chỉnh tăng mức phạt, trong đó có hành vi vượt đèn vàng phạt như vượt đèn đỏ.

Từ ngày 1/8/2016 sẽ xử phạt vi phạm vượt đèn vàng
Từ ngày 1/8/2016 sẽ xử phạt vi phạm vượt đèn vàng

Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vượt đèn vàng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. Đến nay, đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Ông Trần Viết Truy (tổ dân phố 5, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) nói: “Tăng thêm mức phạt là nên làm, để cho nó có tính răn đe cụ thể”.

Thời gian này, các lực lượng chức năng tích cực điều tiết giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thượng tá Mai Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum cho biết: “Mục đích cuối cùng của Nghị định 46 này là để đảm bảo làm sao cho  người tham gia giao thông trên đường an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản”.

“Để Nghị định 46 này đi vào cuộc sống và người dân sẽ nghiêm chỉnh chấp hành thì tôi thấy rằng, thứ nhất đối với ngành chức năng, cần phải tuyên truyền một cách phù hợp đến người dân. Cái thứ hai nữa, đối với ngành chức năng, cảnh sát giao thông đường bộ thì khi xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm giao thông trên đường, ví dụ như vượt đèn vàng, cũng cần giải thích thật là chi tiết để người dân hiểu là họ đã vượt hay không, và mức độ vượt như thế nào để xử phạt một cách chính xác, công tâm, khách quan, để người dân thấy áp dụng xử phạt đèn vàng là phù hợp”. Bà Trần Thị Triều, Phó Chủ tịch Hội Luật gia, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý và trợ giúp pháp luật tỉnh Kon Tum nói.

Nghị định 46/2016 về xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ và đường sắt đã được triển khai thực hiện. Hy vọng với những chế tài đủ mạnh, Nghị định là cơ sở để lập lại trật tự, kỷ cương an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

                                                                                       Thu Trang – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *