(kontumtv.vn) – Luật sư Phan Hữu Thư: “Chúng ta đã nhiều lần thấy rằng, khi dân chúng bức xúc, nếu cứ cố tình ban hành thì tính khả thi không cao”.

Tại cuộc Hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn” vừa diễn ra, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách, Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia đã đưa ra nhiều con số chứng minh sự liên quan giữa tai nạn với việc sử dụng rượu bia. Ông Hùng cho biết, khảo sát 18.500 nạn nhân tai nạn giao thông có 36% người đi xe máy, 67% người lái ôtô vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép.

Ông Hùng cho biết, đề xuất của Ủy ban ATGTQG về tăng mức xử phạt với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, cao nhất là tịch thu phương tiện cũng nhằm mục tiêu hạn chế tai nạn do sử dụng rượu bia gây ra, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông và hướng đến một thông điệp đủ sức cảnh báo rằng, đã uống rượu bia thì không lái xe.

Cần cân nhắc tính công bằng xã hội

Luật sư Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp rằng, ông hoàn toàn hoan nghênh mục tiêu của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nhằm hướng đến việc nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người dân.

Về đề xuất của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, ông quan tâm nhiều đến phương pháp tiếp cận hay chính xác hơn là tư duy pháp lý trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư Phan Hữu Thư

“Nếu áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện thì phải cân nhắc. Chúng ta ai cũng biết uống rượu là không nên lái xe, nhưng làm sao để một người đã uống rượu rồi biết được chuyện đó, cho nên phải cân nhắc. Trước hết là cân nhắc tính công bằng xã hội khi đưa văn bản luật đó ra với người dân. Chúng ta thấy rất rõ, khi thu một chiếc xe 30 tỷ đồng của một người vi phạm khi họ thuê xe, mà người đó chỉ làm công ăn lương thì họ lấy đâu ra tiền để bồi thường”- ông Thư nói.

Ông Thư cho biết, cần phải cân nhắc tính hiệu quả của văn bản mà UBATGTQG đưa ra. “Chúng ta đã nhiều lần thấy rằng, khi dân chúng bức xúc, nếu cứ cố tình ban hành thì tính khả thi không cao”.

Luật sư Phan Hữu Thư cũng đề nghị, khi đề xuất, cần phải xem xét những nội dung đưa ra có làm ảnh hưởng đến chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước, chẳng hạn như chính sách xóa đói giảm nghèo. “Chúng ta đang nỗ lực thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo. Đối với bà con vùng dân tộc, cả nhà chỉ có chiếc xe máy trị giá vài triệu đồng, nếu tịch thu xe của họ, lại đưa họ về trạng thái nghèo ban đầu. Vì thế phải cân nhắc”.

Đề xuất liên quan đến hàng chục triệu dân, không vội được

Luật sư Phan Hữu Thư khẳng định, ông ủng hộ có chế tài mạnh, nhưng chế tài như thế nào “Tôi thiên về hướng phạt nhưng tôi không thiên về hướng phạt quá nặng. Chúng ta đừng nhầm tưởng rằng cứ phạt nặng thì hết tai nạn. Phạt phải có khung tương ứng với lỗi vi phạm”.

Cắt lời Luật sư Phan Hữu Thư, ông Khuất Việt Hùng hỏi dồn “chúng ta không chỉ bàn chuyện đúng, sai, hay, dở mà phải có cách nào đó. Hay nhân tiện đây, ông đưa luôn ra một gợi ý nên thế nào, không cần đề xuất vội, ông gợi ý hộ thế nào là “nặng vừa” đối với các đối tượng lái các loại xe khác nhau?”.

(ảnh internet)

Trả lời câu hỏi dồn của ông Khuất Việt Hùng, Luật sư Phan Hữu Thư nói: “Tôi chưa có thời gian nghiên cứu kỹ như các anh để ngay vào lúc này đưa ra một đề xuất nào đó mang tính thiết thực, nhưng từ các hôm UBATGTQG đưa đề xuất đến nay, tôi vô cũng băn khoăn. Tôi cũng là người tham gia giao thông và cũng từng vi phạm giao thông, tôi cũng thực sự biết sợ. Nếu giờ đây say rượu là tôi sẵn sàng gửi xe ở lại mà không lái xe. Vậy tôi muốn nói, phải làm cho từng người biết “sợ” mới là quan trọng”.

Luật sư Phan Hữu Thư cho rằng, không nên lấy giá trị của chiếc xe để áp đặt cho hình phạt, chỉ phân biệt 2 loại phương tiện là ô tô và xe máy. Tuy nhiên, phạt nặng hay nhẹ phụ thuộc vào lỗi vi phạm chứ không phải vào túi tiền của người vi phạm. Người tham gia giao thông vi phạm càng nhiều lần thì chế tài áp dụng càng nặng, khi đó không loại trừ việc tịch thu xe. “Ví dụ, người tham gia giao thông vi phạm đến lần thứ 5 trong vòng 1 năm, nếu đã bị tước bằng lái rồi mà vẫn vi phạm thì không tịch thu xe mới là chuyện lạ. Câu chuyện này khác với việc cảnh sát giao thông thấy một người ra khỏi quán, bắt họ thở và tịch thu xe ngay lần đầu. Nếu như vậy là chưa hợp lý”.

Theo Luật sư Phan Hữu Thư, có rất nhiều vấn đề nếu đề xuất thu xe có hiệu lực mà chúng ta chưa tính toán hết được. Đề xuất này liên quan đến hàng chục triệu dân, nên không vội được. “Phải tính toán thật kỹ, rồi sửa và đưa vào thực hiện sau cũng không vội. Phải làm thế nào để cho dân hiểu, dân thông. Tôi đồng ý tịch thu, nhưng không phải tịch thu ngay lập tức. Tịch thu được luật pháp cho phép. Còn nếu luật không cho phép, con người có thể sửa luật, vì luật do con người tạo ra”./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *