(kontumtv.vn) – Theo ông Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội việc xử phạt cần tính đến yếu tố tái phạm.

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có đề xuất trình Chính phủ về việc tăng mức xử phạt đối với các chủ phương tiện giao thông vi phạm.

Theo đó, Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra đề xuất nâng mức xử phạt đối với xe quá tải, lái xe say rượu… với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện. Cụ thể, người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện. Việc tịch thu này cũng áp dụng đối với hành vi điều kiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sơ trên đường cao tốc.

Người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện (Ảnh minh họa)

Chia sẻ tại tọa đàm “Nâng mức xử phạm hành vi vi phạm giao thông” trên Chinhphu.vn, ông Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đây là một đề xuất rất tốt, mang tính chất răn đe cao đối với những người vi phạm. Theo ông Hòa, mức phạt cao nhất Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất đã dựa trên mối quan ngại rõ ràng, phân tích cụ thể tình hình tai nạn giao thông vừa qua. Việc uống rượu bia lưu thông trên đường là hành vi vi phạm rất nặng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người lái xe mà còn uy hiếp an toàn xã hội, tới những người xung quanh. Vì vậy, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều rất quan tâm tới chế tài xử phạt, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Thậm chí có những nước có những chế tài hình sự như phạt tù, phạt tiền rất nặng.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, cũng nên cân nhắc việc nâng mức xử phạt nên áp dụng trong những trường hợp như thế nào cho phù hợp với thực trạng về vi phạm an toàn giao thông cũng như văn hóa giao thông, văn hóa rượu bia ở Việt Nam.

Ông Hòa nhấn mạnh thêm: “Về mặt kỹ thuật lập pháp ta phải thiết kế như thế nào, vì rõ ràng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước cần cân nhắc tính hợp pháp của nó trong hệ thống pháp luật đã được định hình về xử phạt vi phạm hành chính của chúng ta hiện nay”.

Sau khi đề xuất tịch thu phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông hoặc xe máy lưu thông vào đường cao tốc của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được trình Chính phủ, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá cứng nhắc, bởi ô tô là phương tiện có giá trị kinh tế lớn, nhất là xe phạt không chính chủ hoặc phương tiện không thuộc quyền sở hữu của lái xe thì việc tịch thu là bất khả thi. Thậm chí, có ý kiến còn khẳng định việc tịch thu xe là vi phạm luật, vi phạm quyền sở hữu phương tiện của công dân.

Ông Tô Văn Hòa

 Về vấn đề này, ông Tô Văn Hòa cho biết, khi xây dựng quy định cần tính đến thực trạng xe không chính chủ vì ở Việt Nam, việc cho mượn xe rất nhiều. Người cho mượn xe cũng khó kiểm soát được và không thể ra điều kiện là người mượn xe không được uống rượu bia. Vì vậy, có thể tách bạch mối quan hệ giữa người cho mượn xe và người vi phạm thì sẽ giải quyết được vướng mắc này. Người vi phạm phải có trách nhiệm đối với người bị nạn và với người đã cho mượn xe dưới dạng trách nhiệm dân sự, vì người cho mượn xe không có lỗi.

Cần tính đến yếu tố tái phạm

Theo nhìn nhận của ông Tô Văn Hòa, việc tịch thu xe vi phạm có tính nhân văn ở nhiều yếu tố. Đặc biệt, mục tiêu tịch thu xe không phải đưa ra để phạt mà là để ngăn chặn, giáo dục người tham gia giao thông không vi phạm. Ngoài việc quy định chế tài phù hợp thì công tác tuyên truyền là rất quan trọng, để người tham gia giao thông biết mức xử phạt nếu vi phạm.

Trước băn khoăn của dư luận về mức độ vi phạm như thế nào thì bị tịch thu xe và tịch thu xe kể cả vi phạm lần đầu có quá nặng hay không, ông Tô Văn Hòa nhìn nhận: “Việc xử lý ngay lần đầu vi phạm là tịch thu phương tiện theo tôi như vậy là nặng. Vì với nhiều người, xe ô tô, xe máy là công cụ mưu sinh của cả gia đình. Do đó, cần tính đến yếu tố tái phạm, ý thức của người lái xe có thể vi phạm lần thứ 3, thứ 4. Tất nhiên điều đó cũng dẫn đến khó khăn là về việc lực lượng CSGT sẽ phải theo dõi hồ sơ của người tái phạm”.

Phân tích những khía cạnh pháp lý của việc tịch thu phương tiện trong xử lý vi phạm giao thông trong khi theo quy định, tịch thu tài sản của công dân phải có quyết định của Tòa án, ông Hòa chỉ rõ, tịch thu phương tiện là tang vật thì không cần quyết định của Tòa án; nếu người bị tịch thu phương tiện không đồng tình có thể khởi kiện quyết định tịch thu phương tiện ra Tòa án để phân xử tính đúng, sai./.

Kim Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *