Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình việc Chính phủ đề xuất Quốc hội nâng bội chi ngân sách năm 2013 lên 5,3% nhưng yêu cầu phải thắt chặt kỷ luật ngân sách từ các năm sau.

Sáng 2/11, Quốc hội đánh giá kết quả và kế hoạch thu ngân sách Nhà nước.

Năm 2013 là năm đầu tiên thu ngân sách không đạt dự toán Quốc hội đề ra khi ước đạt 790.800 tỷ đồng, trừ các khoản ghi thu NSNN ngoài dự toán thì tổng thu cân đối NSNN hụt 63.630 tỷ đồng.

Bổ sung nguyên nhân hụt thu so với báo cáo trước đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận đánh giá của các đại biểu Quốc hội về cơ chế thu nợ đọng thuế vào ngân sách chưa chặt chẽ khiến một số đối tượng lợi dụng chiếm dụng vốn Nhà nước.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng nêu lên trước Quốc hội các giải pháp chống thất thu ngân sách từ nợ đọng thuế cơ bản, gian lận trong hoàn thuế VAT, chuyển giá… theo các chính sách mà Chính phủ, từng địa phương đã ban hành.

Tuy nhiên, đại biểu Cao Sĩ Kiêm đề nghị Chính phủ phải làm rõ các “địa chỉ” tăng thu ngân sách từ nay đến cuối năm ở các lĩnh vực đất đai, dầu khí, chuyển giá, nợ thuế, các quỹ nằm ngoài ngân sách, giảm chi mua sắm, biên chế, đoàn ra (đi nước ngoài)…

“Những vấn đề này phần lớn phụ thuộc vào cơ quan ra chính sách, chỉ đạo. Phải làm rõ trách nhiệm từ cấp trên xuống cấp dưới để có thể còn tăng thêm thu ngân sách”, đại biểu Kiêm nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) thì cho rằng: “Điều hành ngân sách năm 2014 cần thận trọng, chặt chẽ, nhất là điều hành hài hòa giữa “nuôi” thu nội địa và chống thất thu, chứ không nên quá nghiêng về chống thất thu. Do vậy cần tính toán, điều chỉnh chỉ số tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên 31% từ nguồn kinh tế tư nhân còn nhiều dư địa”.

Hụt thu NSNN trong bối cảnh dự toán chi lớn dẫn đến việc phải nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% cho 2013 và 2015 để bù đắp là điều “cực chẳng đã” với Chính phủ.

Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ thông cảm khi ông nhận xét: “Xét tổng thể vào thời điểm này chưa bao giờ kinh tế Việt Nam có vị trí lớn như hiện nay nhưng ngân sách luôn vào hoàn cảnh “giật gấu vá vai”. Nguyên nhân cũng là bởi nỗ lực của chúng ta tập trung đầu tư hạ tầng đô thị, xã hội và giảm phân hóa giàu-nghèo giữa các vùng và đây là những “nguyên nhân tích cực”.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng chỉ ra những tồn tại trong cách chi tiêu ngân sách và đòi thay đổi mạnh mẽ hơn ở cơ chế phân bổ NSNN, nếu không thì khó phân bổ hiệu quả.  Ngoài ra, “không nên “vung tay quá trán” khi xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm trang thiết bị, ô tô. “Phải coi đây là chi tiêu dùng chứ không phải chi đầu tư thì mới tiết kiệm được”, đại biểu Lịch nói.

Những hạn chế trên cần sớm được khắc phục để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách cũng như thâm hụt ngân sách, dành nguồn tiền để đầu tư, phát triển và trả các khoản nợ đã đến hạn.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *