(kontumtv.vn) – Chiều 18/12, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc Quốc hội do Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội Đinh Thị Phương Lan làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Kon Tum nhằm khảo sát, đánh giá tình hình học sinh dân tộc thiểu số bỏ học trên địa bàn.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp; lãnh đạo Sở GD&ĐT; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Năm học 2019 – 2020, tỉnh Kon Tum có hơn 40.200 học sinh THCS, trong đó, gần 23.730 học sinh dân tộc thiểu số theo học tại 121 cơ sở giáo dục với trên 1.200 lớp. Các cơ sở giáo dục được trang bị đầy đủ phòng học, đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày. Trong năm học này, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số có học lực khá, giỏi hơn 26%, trung bình gần 66%, học sinh yếu, kém trên 8%.

DOAN CONG TAC HOI DONG DAN TOC QUOC HOI KHOA XIV LAM VIEC TAI TINH KON TUM

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, số lượng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học trên địa bàn tỉnh những năm học gần đây có xu hướng giảm. Theo đó, năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có gần 270 học sinh dân tộc thiểu số bỏ học. Năm học 2017 – 2018 và năm học 2018 – 2019, số học sinh bỏ học giảm xuống 235 em. Tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học chủ yếu xảy ra trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; trong đó, huyện Đăk Glei có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất, gần 3%. Đăk Tô là địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học thấp nhất, khoảng 0,22%. Các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số bỏ học có thể kể đến như Trường THPT Ngô Mây, thành phố Kon Tum (trên 7%), Trường PTDTNT Sa Thầy (hơn 3%), Trường PTDTNT Kon Rẫy (gần 3%).

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bỏ học chủ yếu do đời sống kinh tế của một bộ phận hộ dân còn tương đối khó khăn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, do đó, việc chăm lo học tập cho con em bị hạn chế. Vì hoàn cảnh khó khăn, một số học sinh cuối cấp THCS phải tham gia lao động, phụ giúp gia đình nên các em học yếu, chán học, dẫn đến bỏ học; cùng với đó công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con dân tộc thiểu số trong việc vận động con em mình ra lớp thường xuyên còn hạn chế. Khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp khẳng định, điều quan trọng là nhà trường, địa phương cần tích cực phối hợp với gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để kịp thời phát hiện, giúp đỡ các em vươn lên trong học tập; tiếp tục triển khai hiệu quả chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp thường xuyên.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội Đinh Thị Phương Lan đề nghị đối với tỉnh Kon Tum, thời gian tới, cần triển khai tốt các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học; cùng với đó, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại nhà trường; quan tâm, chăm lo thể trạng, thể chất cho đối tượng là học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số; đặc biệt, ngành GD&ĐT tỉnh chú trọng đưa thêm các hoạt động bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số vào trường học, giúp học sinh có thêm những giờ học, giờ chơi bổ ích, lành mạnh.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *