(kontumtv.vn) – Các doanh nghiệp cho rằng những bất cập trong chính sách đang khiến họ phải sa thải rồi nhận lại lao động trên 35 tuổi do bậc lương quá cao.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mới đây đã đưa ra con số đáng báo động về tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ. Có nơi, có đến 80% lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc không chịu được áp lực doanh nghiệp.

doanh nghiep sa thai lao dong roi tuyen lai lo hong chinh sach hinh 1
Sa thải lao động trên 35 tuổi tiềm ẩn những mối lo về an sinh xã hội. (Ảnh: KT)

Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm cũng đã cảnh báo rằng, nếu không kịp thời đưa ra những giải pháp để ngăn chặn, tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề an sinh xã hội.

“Sa thải lao động sau 35 tuổi rất đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiện nay. Về lâu dài vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động.  Những đối tượng này sau khi mất việc, thường rất khó tìm việc làm mới tại các khu vực có quan hệ lao động mà phải chuyển sang các khu vực không có quan hệ lao động, chấp nhận hưởng BHXH 1 lần”.

Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp đang “chơi” không đẹp khi sa thải những lao động có kinh nghiệm lâu năm làm việc.

Trong hội thảo Tác động của các chính sách mới trong lĩnh vực tiền lao động tiền lương, BHXH đến doanh nghiệp dệt may được tổ chức ngày 4/10, các đại biểu là đại diện doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận một số nơi đang diễn ra tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Hà Bắc nêu ý kiến: “Sa thải lao động trên 35 tuổi, chúng tôi bị coi là dã man, vắt chanh bỏ vỏ… Thực tế, chúng tôi cũng rất muốn dùng những lao động đã có tuổi, nhưng vướng mắc hiện nay là ở chính sách của nhà nước”.

Ông Khanh nêu rõ, theo quy định của pháp luật, ngành dệt may thuộc nhóm ngành độc hại, lao động phải qua đào tạo, do đó, công nhân mới vào nghề đã có hệ số lương là 1,3, cứ 2 năm tăng lương 1 lần. Như vậy, sau 10 năm, hệ số lương của người lao động là 1,44, sau  20 năm, hệ số tăng lên thành 1,54, sau 24 năm, người lao động sẽ có hệ số lương là 2,0.  Như vậy, lương tối thiểu của một lao động khoảng 11 triệu đồng/tháng.  Ông Khanh cho biết, do được hưởng mức lương khá cao, nên nhiều lao động, đặc biệt là các lao động đã lớn tuổi có tâm lý sản xuất cầm chừng, không làm hết công suất. Trong khi đó, những lao đông trẻ, năng suất lao động cao nhưng lại được hưởng mức lương thấp hơn.

Hiện nay, các công ty vẫn tổ chức thi tay nghề để xét tăng bậc lương cho người lao động theo từng đợt. Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng, việc  thi tay nghề chỉ có thể dùng làm căn cứ đánh giá kỹ năng chứ không đánh giá đúng được năng suất lao động thực tế của lao động.

“Để tránh tình trạng lao động sau 35 tuổi mất việc, cần cải cách lại bảng lương. Thang bảng lương phải theo thực tế năng lực làm việc của công nhân. Bậc lương tăng trong khi năng suất lao động không tăng là bức xúc của rất nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động, đặc biệt là các lao động lớn tuổi hiện nay. Chúng tôi bỏ thì thương, vương thì tội, nên nhiều doanh nghiệp vẫn đang lén lút sa thải lao động rồi nhận lại để áp dụng bảng lương bậc 1, giảm chi phí”.

Theo ông Hoàng Minh Khang, Giám đốc Công ty May quốc tế Thuận Thành, Bắc Ninh, mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng thang bảng lương, báo cáo với cơ quan lao động địa phương, nhưng thực tiễn ở mỗi doanh nghiệp lại “muôn hình vạn trạng”. Các doanh nghiệp có cách tính lương khác nhau, dựa trên cấp bậc. “ Nhìn vào thực tế để giữ được những lao động cao tuổi, mắt mờ, chân chậm là điều rất khó trong khi ngành dệt may lại yêu cầu nhanh tay nhanh mắt. Nhiều lao động không trụ được, tự bản thân họ cũng phải rút ra”, ông Khanh cho biết.

Hơn nữa, theo quy định mới về chính sách đóng bảo hiểm xã hội, từ 1/1/2018, số năm đóng bảo hiểm xã hội với cả nam và nữ đều tăng, trong trường hợp về hưu trước tuổi, người lao động sẽ bị trừ 2% thay vì 1% như hiện nay. Do đó, không ít lao động lớn tuổi tự nguyện xin nghỉ, hoặc dùng “chiêu” giám định sức khỏe không đạt để được “chạy trước”, xin sang doanh nghiệp khác, tránh bị ảnh hưởng bởi chính sách đóng bảo hiểm xã hội.

Nhiều đại diện đến từ các công ty may Miền Trung cũng lên tiếng kiến nghị cần thay đổi cách tính tiền lương dựa trên năng suất lao động, làm nhiều hưởng nhiều, thay vì theo bậc cấp tiến như hiện nay. Giới chủ sử dụng lao động cho rằng, nếu tiếp tục duy trì cách tính bậc lương như hiện nay sẽ tạo ra sức “ỳ” của lao động, gia tăng gánh nặng cho phía doanh nghiệp./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *