(kontumtv.vn)-Trên cơ sở quan tâm hỗ trợ của tỉnh Kon Tum, nghề làm rượu cần và nghề rèn truyền thống đã từng bước được duy trì và phát triển trong cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn. Các sản phẩm từ nghè rèn truyền thống và nghề làm rượu cần của bà con từng bước tạo được thương hiệu và lối đi riêng của mình trong đời sống xã hội.

 

doc dao san pham ruou can 

 

Nói đến Tây nguyên phải nói đến lễ hội và men rượu cần đằm thắm, quyến rũ. Trong đó, có rượu cần đậm nét riêng biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Với bà con, rượu cần không chỉ đơn thuần là thức uống mà chiếc ghè, men rượu còn chứa đựng nét văn hóa gắn liền với lao động sản xuất và đời sống tâm linh của bà con. Vì vậy, ghè rượu xuất hiện gần như trong mọi hoạt động của đời sống cộng đồng, đặc biệt là trong các lễ hội cộng đồng truyền thống. Với du khách khi đặt chân đến Kon Tum, được hòa mình vào không gian của lễ hội, được thưởng thức rượu cần truyền thống sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ. Anh Jung Le Mon Key – Du khách người Pháp cho biết: Tôi may mắn khi được tham gia lễ hội cộng đồng người Ba Na trong chuyến du lịch đến với Kon Tum. Được vít cần rượu trong lễ hội, tôi thấy vô cùng hào hứng. Rượu có hương vị thơm và dễ chịu khi uống. Tôi ngạc nhiên khi họ đổ nhiều nước vào bình sau đó trở thành rượu. Cách uống bằng cần cũng khá lạ. Nguyên liệu chính của rượu cần là những sản phẩm gắn liền với sản xuất nông nghiệp của bà con như nếp, gạo, mì, bo bo, hạt gào và bắp. Men rượu được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như bột gạo, ớt, củ riềng, vỏ cây Hngiam hoặc một số vỏ cây rừng khác. Trước đây, bà con chỉ làm rượu cần phục vụ cho nhu cầu của gia đình và tham gia vào các lễ hội cộng đồng. Việc chế biến rượu được các gia đình cất giữ như bí quyết gia truyền. Ngày nay, được sự quan tâm, tiếp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua việc mở các lớp truyền dạy nghề làm rượu cần truyền thống; đồng thời việc quảng bá, giới thiệu để rượu cần trở thành thương hiệu đặc sắc được tỉnh Kon Tum chú trọng. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến với sản phẩm rượu cần. Chị Y Je – cơ sở rượu cần Y Khuê 139, Bắc Kạn, làng Kon Klor, thành phố Kon Tum cho biết: Sản phẩm rượu cần nó độc đáo bởi chúng tôi lấy nguyên liệu từ hạt gào, bo bo, nếp thang rồi gạo xà cơn đỏ, tất cả những sản phẩm đó chúng tôi tự trồng và bà con dân làng trồng. Độc đáo thứ hai là chúng tôi làm bằng men rừng truyền thống do ông bà để lại. Sản phẩm này là sản phẩm đặc biệt để càng lâu, càng ngon, càng thơm rượu, uống có lợi cho sức khỏe nhưng đừng uống say quá. Xuất phát từ sự độc đáo, hấp dẫn riêng biệt nên ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến rượu cần như là một sản phẩm văn hóa đầy sức hấp dẫn. Đây cũng là cơ hội để rượu cần từng bước trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của người dân trong tỉnh và du khách.

                                                                                          Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *