(kontumtv.vn) – Trong những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng ở các xã biên giới huyện Ngọc Hồi đã được đầu tư khá đồng bộ. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của các địa phương này đã có sự đổi thay đáng kể, đời sống người dân vùng biên giới ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ở Ngọc Hồi.

Làng văn hóa
Làng văn hóa Cao Sơn, xã Sa Loong

Sa Loong là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Hồi. Trước đây, cái đói, cái nghèo vốn đặc trưng ở nơi này, nhưng nay đang dần được thay thế bởi sự ấm no. Có được sự thay da đổi thịt này, ngoài được hưởng những chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sa Loong đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Ông Sa Văn Nhung (thôn Hào Lý, xã Sa Loong) nói: “Chúng tôi là người dân lòng hồ thủy điện Sông Đà chuyển vào đây, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, đến giờ phút này được sống của nhân dân chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Nhiều hộ gia đình đã có nhà xây cả tỷ bạc, đã mua sắm được nhiều đồ dùng đắc tiền phục vụ cho sản xuất và đời sống”.

“Trong những năm gần đây, xã đã tổng hợp các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng về trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn. Từ đó đời sống của người dân được nâng lên. Qua khảo sát sơ bộ tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều, hiện nay hộ nghèo trên địa bàn xã gần 17%. Mức thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2015 khoảng trên 18 triệu đồng/người/năm”. Ông Trần Sỹ Hải, Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết.

Trong những năm gần đây, Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới đã tạo đòn bẩy để những vùng đất biên giới khô cằn, heo hút huyện Ngọc Hồi chuyển mình. Đến nay, kết cấu hạ tầng các xã biên giới ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân. Ông Nguyễn Hữu Nông, Chủ tịch UBND xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi nói: “ Đăk Nông là một trong những xã được chọn xây dựng nông thôn mới điểm của huyện Ngọc Hồi, nên về xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư. Về giáo dục 3 trường, một trường tiểu học đã đạt chuẩn giai đoạn 1 và trường mầm non cũng đã đạt phổ cập độ tuổi, trường cấp 2 cũng đang trên lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế thì đã được Sở Y tế công nhận đạt chuẩn. Xã đã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Kinh tế- xã hội
Kinh tế vùng biên ngày càng phát triển

Huyện Ngọc Hồi có 5 xã biên giới, bao gồm các xã Sa Loong, Bờ Y, Đăk Xú, Đăk Dục, Đăk Nông. Trong những năm gần đây, đời sống của người dân ở các xã biên giới này đã có nhiều đổi thay tích cực. Thu nhập bình quân của xã biên giới khó khăn nhất đạt trên 18 triệu đồng/người/năm, xã phát triển nhất đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, đến nay huyện đã có  2/5 xã biên giới đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới. Đời sống kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, bà con vùng biên ngày càng chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Điều hết sức phấn khởi là nhận thức của bà con vùng biên trong phát triển kinh tế thì họ đã trồng được rất nhiều cây có giá trị hàng hóa và họ quan tâm nhiều đến việc đào tạo nghề. Nhận thức trong chuyển đổi về đời sống tinh thần thì họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa của người dân tộc, nhiều làng đạt được danh hiệu làng văn hóa”.

Kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân ngày càng nâng lên. Điều này đã làm cho diện mạo nông thôn của 5 xã biên giới huyện Ngọc Hồi đổi thay tích cực, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

                                                                   Thanh Tùng – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *