(kontumtv.vn) – Cần tăng cường đối thoại bởi chỉ có “trao đi, đổi lại” mới giải quyết thấu đáo được các vấn đề gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chỉ có “trao đi, đổi lại” mới giải quyết thấu đáo được các vấn đề gây bức xúc cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) lần thứ hai tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, theo Phó Thủ tướng, năm vừa qua, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 ra đời đã đem lại những kết quả rất tích cực và kỳ vọng “những tiến bộ đó sẽ được tiếp tục đổi mới với một tiến độ mạnh hơn và một quyết tâm cao hơn”. Bên cạnh đó, qua đánh giá lại sau từng năm thực hiện, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 đã tạo ra những chuyển biến về nhận thức, đi vào hành động và đem lại những kết quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các Nghị quyết được ban hành nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan tới tất cả các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn có thể nói là rất lớn của DN, ở tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là về đất đai, tiếp cận vốn và chi phí vốn, thuế và bảo hiểm, và vấn đề bao trùm lên tất cả các lĩnh vực là thủ tục hành chính.

Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã chỉ rõ 200 nhiệm vụ và đều được giao cho các bộ và ở địa phương là các sở. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ ở các cấp, đặc biệt là ở cấp dưới. “Không để tình trạng ở trên thì quyết liệt, nóng, ở dưới vẫn còn từ từ, coi như chưa phải việc của mình, cá biệt có những nhưng nơi còn ‘lạnh’ như nhiều DN đã phản ánh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đối thoại với DN. Tham gia trực tiếp một số cuộc đối thoại mà sau khi các bộ, ngành làm việc nhưng DN vẫn bức xúc, Phó Thủ tướng chia sẻ qua thống kê có 14 vấn đề, nhưng khi đối thoại cụ thể thì các bộ, ngành chỉ phải sửa 3 vấn đề không đúng. Còn lại, sau khi có sự “trao đi, đổi lại” thì các DN đều rất hài lòng, thoải mái và đồng ý với cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng, bởi từng DN không thể kiến nghị hết được. Trong khi đó, các hiệp hội có đội ngũ chuyên trách, chuyên nghiệp theo dõi, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của DN, có đội ngũ pháp chế là những người rất hiểu về luật, không chỉ biết vướng mắc của DN mà còn chỉ rõ ra đối với cơ quan Nhà nước là nên sửa điều nào, điểm nào và như thế nào.

“Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới (WB), về lĩnh vực thuế đã có bước tiến rất tốt nhưng vẫn đứng thứ 167 trên thế giới. Trong khi nếu muốn đứng thứ 4 ASEAN thì phải xếp khoảng từ 60-70, và nếu muốn đứng mức trung bình trong ASEAN 4 thì phải xếp thứ 30. Hay về vấn đề tiếp cận điện, khi Nghị quyết 19 ra đời năm 2014, Việt Nam đứng thứ ở vị trí 130, sau nhiều nỗ lực, bây giờ chúng ra rất phấn khởi nhưng vẫn đứng thứ 96”, Phó Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh: “Bây giờ phải rất khẩn trương, không đủng đỉnh nữa vì chúng ta đã chậm”.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các cơ quan Nhà nước cần quyết tâm, cụ thể và thiết thực bởi “DN không cần chung chung; lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng cũng không cần chung chung nữa; DN không cần đến bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu lời phát biểu, không cần những thứ hình thức mà cần làm sao để chi phí chính thức giảm, chi phí không chính thức giảm và không bị lỡ cơ hội kinh doanh”.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải thực hiện tất cả các dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến và tăng cường thực hiện thanh toán điện tử, để vừa minh bạch, vừa giảm tiếp xúc trực tiếp, tránh mảnh đất để tiêu cực phát sinh, giúp cho môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.

Trước đó, vào ngày 13/3, tại cuộc đối thoại thoại giữa Bộ Y tế và các DN sữa xung quanh quy định sử dụng muối có I-ốt trong chế biến thực phẩm, Phó Thủ tướng đã đặt ra nhiều câu hỏi và gợi mở để hai bên thảo luận, trao đổi. Những trả lời của lãnh đạo Bộ Y tế tại cuộc đối thoại này đã khiến nhiều DN “thở phào” và cho biết “nếu Bộ Y tế trả lời như thế này thì có lẽ DN sẽ không có kiến nghị gì cả”.

Tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng cho rằng “Nếu chúng ta đối thoại kỹ càng và lắng nghe nhau để cùng giải quyết những vướng mắc thì không có vấn đề gì cả. Vai trò của Chính phủ kiến tạo không chỉ ra chính sách đúng mà còn làm cho mọi ý kiến trong xã hội đồng thuận với nhau theo hướng tốt”.

Sau đó 2 tháng, vào ngày 13/5 vừa qua, tại Cổng TTĐT Chính phủ, Phó Thủ tướng đã dự một buổi thoại khác giữa các DN thủy sản và các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến một loạt vấn đề như tiêu chuẩn nước thải; quy định an toàn thực phẩm; phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp…

Sau khi thảo luận, xem xét thấu đáo từng kiến nghị của các DN, Hiệp hội, Phó Thủ tướng cho biết, cùng với hình thức kiểm tra trực tiếp các bộ, các cuộc làm việc như thế này rất hiệu quả. Các bên ngồi trực tiếp với nhau mới thấy không phải tất cả kiến nghị của DN đều nên chấp thuận hết, vì cơ quan quản lý cũng có lý do. Tuy nhiên, sau khi cơ quan quản lý giải thích thì DN rất hài lòng. Có những thứ các bên đồng ý với nhau, nhưng do câu chữ nên có cách hiểu khác nhau. Và cũng có những vấn đề ý kiến DN là đúng, vì người làm văn bản chưa lường hết được.

“Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất cầu thị, thậm chí văn bản ra chưa thi hành mà có vấn đề thì vẫn sửa đổi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuấn Minh/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *