(kontumtv.vn) – Từ một mô hình tự phát, sau gần 10 năm thành lập, đến nay mô hình tổ, nhóm hộ giúp nhau xây nhà trên địa bàn xã Đăk Pét (Đăk Glei, Kon Tum) đã trở thành kiểu mẫu trong việc chung tay xây dựng thôn làng no ấm, sạch đẹp.

Mô hình tổ, nhóm hộ giúp nhau xây nhà ở Đăk Pek hoạt động  khá đơn giản, mỗi làng thành lập từ 5-10 tổ, nhóm; mỗi tổ, nhóm có từ 7-10 người tham gia. Tất cả đều là người có sức khỏe, kinh nghiệm trong xây dựng. Đối với những người không có kinh nghiệm thì họ chung tay giúp nhau trong việc vận chuyển cát, sỏi và phụ xây. Mỗi năm trong tổ, nhóm sẽ xây từ 2 đến 3 căn nhà, mọi người tham gia giúp đỡ nhau chủ yếu là lúc nông nhàn. Ông A Nhu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận  thôn Đăk Trấp, xã Đăk Pét nói: “Bà con tự bỏ ngày công ra giúp đỡ làm nhà này xong rồi sang giúp đỡ nhà kia. Phong tục tập quán của bà con ở đây là chủ nhà mời cơm trưa, tối, chứ không tính tiền bạc gì hết, tức là giúp nhau cho hoàn thành cái nhà ở, thế thôi”.

Người dân Đăk Pét giúp nhau xây dựng nhà ở
Người dân Đăk Pét giúp nhau xây dựng nhà ở

Để xâydựng một ngôi nhà, chi phí nhân công chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị căn nhà. Nhờ mô hình đổi công cùng giúp nhau xây nhà, nên bà con ở đây có thể  tiết kiệm được một khoảng chi phí để mua vật liệu xây nhà to, đẹp hơn. Điều dễ nhận thấy khi dạo quanh các thôn, làng ở Đăk Pét là các căn nhà đều được xây dựng khang trang, với kiểu nhà vườn nhỏ, tạo cảnh quan đẹp cho địa phương. Anh A Nhớt (thôn Đăk Trấp, xã Đăk Pét) nói: “Chương trình 167 Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng, thêm Phòng Chính sách hỗ trợ 8 triệu để làm nhà. Hồi làm nhà này được bà con trong làng giúp đỡ rất nhiệt tình để xây xong ngôi nhà”.

“Trong thời gian qua, xã Đăk Pét có các tổ, nhóm tự thành lập giúp đỡ nhau để giảm bớt ngày công trong gia đình. Gia đình thiếu lao động thì huy động bạn bè trong tổ, nhóm để giúp đỡ ngày công, sau đó sẽ giúp lại để đảm bảo ngày công, cứ thế xoay vòng giúp đỡ nhau làm nương rẫy, hoặc làm nhà cửa”. Ông A Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét cho biết.

Thông qua việc giúp đỡ nhau xây nhà, bà con gần gũi nhau hơn, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, động viên nhau vươn lên làm ăn phát triển kinh tế. Mô hình này đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở các thôn làng ĐBDTTS trên địa bàn xã Đăk Pek. Đây là mô hình hoạt động thiết thực, cần được phát huy và nhân rộng ở các địa phương khác.

                                                                                           Cao Thủy – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *