(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum hiện có 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 53% dân số. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên.

Thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô có gần 120 hộ dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Những năm qua, nhờ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, nhất là các đảng viên được phân công phụ trách hộ, nhóm hộ nên người dân trong thôn đã tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, ngoài diện tích các loại cây hàng năm, người dân thôn đã hình thành gần 30 ha cà phê, hơn 100 ha cao su. Thu nhập của bà con không ngừng được nâng cao; năm 2019, đạt 19,5 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 27 hộ. Anh A Vắt (thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) phấn khởi nói: “Cũng cảm ơn đảng viên hỗ trợ kịp thời, ví dụ vốn vay mình cần thì mình hỏi đảng viên làm giấy tờ nhanh, mình vay được mình làm cà phê, cao su, kịp thời bón phân cao su đó để nó có mủ mình thu, cảm ơn đảng viên lắm”.

Cây cà phê giúp nhiều hộ ĐBDTTS thoát nghèo
Cây cà phê giúp nhiều hộ ĐBDTTS thoát nghèo

Đảng viên Kon Plông Xoan ở Chi bộ thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ chia sẻ thêm: “Hỗ trợ cho bà con, nói chung hỗ trợ về những kiến thức để về phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo bền vững, qua đó thì cũng giới thiệu việc làm cho một số thanh niên trong thôn để đi xuất khẩu lao động. So với thôn Đăk Nu cách đây 2 năm thì kinh tế phát triển hẳn, có cây cao su, cây cà phê để thu, rồi bà con cũng biết áp dụng những kiến thức, rồi thâm canh các loại cây trồng, nói chung tăng năng suất cho cây trồng đảm bảo”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc và miền núi, với nguồn lực đầu tư ngày một nhiều hơn, như Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn… Bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, như chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông. Giai đoạn 2014 – 2019, tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng DTTS trên địa bàn tỉnh hơn 11.800 tỷ đồng. Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào DTTS đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, như mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy; mô hình trồng hồng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông… Anh A Lang (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) nói: “Từ khi vay của Ngân hàng Chính sách 100 triệu thì hai vợ chồng mua giống trồng sâm, tự vợ chồng quản lý. Khoảng 2 đến 4 năm sau nó có hạt thì mình lấy hạt mình ươn, nếu nhiều thì một số mình trồng, một số mình bán cho hộ đang cần lấy tiền đó để trả lại cho ngân hàng”.

Ông A Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm: “Bà con phát triển thứ nhất là về cây sâm dây, cà phê, chú trọng nhất là cây sâm Ngọc Linh đây là cây mũi nhọn trong phát triển gia đình của hộ nông dân trên địa bàn xã Măng Ri. Bên cạnh đó bà con cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật, ví dụ cà phê bà con biết tận dụng phân chuồng, sau đó chăm sóc làm bồn, bón phân theo thời kỳ để cây phát triển”.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ và giải pháp về công tác giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn hơn 13%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4 đến 5%/năm giai đoạn 2014 – 2015 và 3,58%/năm giai đoạn 2016 – 2018; trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm hơn 6%/năm. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho hay: “Qua phát triển kinh tế trong 5 năm qua thì bà con đến giờ phút này có thể nói tỷ lệ hộ nghèo giảm, trước là trên 72% thì hiện nay đang còn là trên 43%. Các hộ gia đình từng bước đã có nhà xây, tivi, xe máy, các điều kiện sinh hoạt trong gia đình đã từng bước đầy đủ, tiện nghi hơn và nắm bắt được qua các kênh thông tin đại chúng và hiểu biết hơn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn quan tâm chỉ đạo các hội, đoàn thể, nhất là các đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ tuyên truyền, hướng dẫn để đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất để nâng cao đời sống. Ông A Khiết, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô cho biết: “Hiện tại có 97/108 đảng viên được phân công phụ trách 46 hộ, nhóm hộ, trong đó có 153 hộ nghèo. Trên cơ sở đó cũng đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của đảng viên, cũng như các hộ gia đình được phân công phụ trách giúp đỡ thì đã nhận thức rất đầy đủ, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình trong vấn đề an sinh xã hội, vấn đề đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn xã”.

Đặc biệt, thông qua nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến. Mạng lưới giao thông, điện, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.

Một mùa xuân mới lại về. Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các DTTS tỉnh Kon Tum nỗ lực phát triển kinh tế, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, ngành phát động, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, phấn đấu xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển bền vững.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *