(kontumtv.vn) – Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, giờ đây đồng bào Xê Đăng huyện Tu Mơ Rông đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các loại cây dược liệu, từng bước làm thay đổi cuộc sống. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá, giàu.

Đón năm mới 2019, gia đình ông A Chung (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) phấn khởi hơn bao giờ hết. Bởi ông vừa mới xây được căn nhà khang trang và sắm sửa đầy đủ các vật dụng trong gia đình, với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng. Có được kết quả đó là chính nhờ sự nỗ lực, kiên trì trong việc tham gia mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và tự đầu tư phát triển vươn sâm Ngọc Linh của gia đình hơn 1.000 cây. Ông A Chung chia sẻ: “Hiện tại đời sống của gia đình khá hơn trước kia nhiều, trước kia mình không có việc gì làm, mình toàn đi cuốc ruộng, đi làm mì. Bây giờ gia đình có công việc ổn định do công ty giao trồng sâm thì khá hơn rất nhiều, mình cũng được 2 cái xe máy, sắm cho con cái đi học, đủ nuôi cho gia đình. Cho nên hiện tại bản thân tôi cũng như bà con rất hăng hái muốn đi làm”.

Chăm sóc sâm Ngọc Linh
Chăm sóc sâm Ngọc Linh

Không chỉ riêng gia đình ông A Chung, giờ đây nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã nhận thức được giá trị của các loại cây dược liệu quý mà thiên nhiên ưu đãi như sâm dây, sâm đương quy và đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Điều đáng mừng là nhận thức người dân thay đổi, biết được lợi ích của trồng sâm nên để có giống sâm trồng, không ít hộ dân bán trâu, bò để mua giống hoặc mua hạt tự ươm giống sâm… Đồng thời, người dân đã tích cực tham gia mô hình liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để có việc làm ổn định và có nguồn cây giống phát triển thêm diện tích. Ông A Ngôm (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) nói: “Công ty cấp cây giống cho bà con, cứ 100 cây mỗi năm cho 1 hộ, bà con cũng thấy ổn định từng bước. Mấy năm sau nữa thì bà con cố gắng phát triển hơn nữa. Nhờ cây sâm của Công ty cung cấp cho bà con sau này từng bước xóa đói giảm nghèo”.

Trên địa bàn huyện có 6 xã có thể trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện nay, đã có hơn 500 hộ dân ở 3 xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây trồng sâm Ngọc Linh. Trong năm 2018, tổng diện tích trồng mới sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông gần 3 ha, nâng diện tích cây sâm Ngọc Linh trong dân trên toàn huyện lên hơn 17 ha… Ngoài ra, có hơn 300 ha diện tích sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp trồng trên địa bàn và có hàng trăm hộ dân tham gia mô hình liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ông A Bái (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) cho biết: “Tham gia trồng sâm sướng hơn hồi xưa. Hồi xưa là khó khăn, quần áo học sinh đi học không có tiền mua, bây giờ đã có quần áo cho con cháu đi học. Tham gia mô hình trồng sâm mới có 4 năm chứ mấy, chắc sau này làm chục năm, làm cả đời mình sẽ thay đổi nhiều”.

Bên cạnh việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông còn chú trọng phát triển các loại cây dược liệu khác, như sâm dây, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử… Riêng cây sâm dây, trong năm 2018, với sự hỗ trợ của các cấp ngành, người dân đã trồng mới gần 17 ha, nâng tổng diện tích cây sâm dây lên gần 40 ha. Thực tế cho thấy, nhờ sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu mà có nhiều hộ dân ở huyện Tu Mơ Rông không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Hiện vùng phát triển theo quy hoạch của huyện thì phát triển đến năm 2020 là 200 ha hồng đẳng sâm, hiện nay đã phát triển gần 40 ha rồi. Còn đương quy thì đang triển khai thực hiện, bà con cũng đã trồng khoảng 30 ha. Ngoài ra, hiện nay UBND huyện cũng chỉ đạo cho UBND các xã, bà con ở vùng giáp ranh nơi rừng có sơn tra, ngũ vị tử và mật ong thì khoanh vùng để bảo tồn và thu nguồn lợi này, hằng năm cung cấp một sản lượng rất lớn”.

Để phát huy lợi thế của địa phương, huyện Tu Mơ Rông đã và đang tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ để nhân dân phát triển các loại cây dược liệu. Huyện xác định đây là những cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập và giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ông Vương Văn Mười nói: “Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung mạnh vào phát triển cây dược liệu, ngoài những cây dược liệu đương quy, hồng đẳng sâm ra thì cũng đang tập trung phát triển cây sâm Ngọc Linh. UBND huyện cũng đang chỉ đạo các xã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thêm để bà con mua giống sâm; cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh và Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô, hai đơn vị cũng cam kết sẽ cung cấp, vừa hỗ trợ cho bà con giống sâm và hỗ trợ bán sâm cho bà con”.

Giờ đây, về huyện Tu Mơ Rông, đi đến đâu cũng thấy người dân bàn tán chuyện trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh. Từ sâm, không ít hộ gia đình người Xê Đăng nơi đây đã thoát khỏi cảnh nghèo và làm giàu. Để tiếp tục phát huy lợi thế của huyện và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08, ngày 02/3/2018 của Tỉnh ủy Kon Tum về đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh, huyện Tu Mơ Rông đang lập đề án quy hoạch phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện phát triển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025; huyện sẽ ưu tiên, tạo mọi điều kiện tốt nhất đối với các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển dược liệu, ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn để xây dựng huyện Tu Mơ Rông thành vùng phát triển dược liệu trọng điểm của tỉnh.

Ngọc Chí – Đức Thắng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *