(kontumtv.vn) – Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả của một xã biên giới, vùng sâu của tỉnh, nhưng những năm qua, công tác giáo dục tại xã Đăk Long (Đăk Glei, Kohn Tum) đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về qui mô trường lớp, số lượng và chất lượng của học sinh. Có được kết quả đó là sự nỗ lực vượt khó, phấn đấu không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây.

Gắn bó với sự nghiệp giáo dục xã biên giới từ ngày mới ra trường, 17 năm qua, cô giáo Trần Thị Thanh Minh ở Trường Tiểu học xã Đăk Long đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong sự nghiệp giáo dục nơi đây. Gian khổ nhiều, nhưng niềm vui cũng không ít. Vui vì trường đã ra trường, lớp ra lớp, không còn cảnh đêm đêm phải lặn lội xuống làng để xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, vận động học sinh ra lớp. Giờ chỉ lo chuyên tâm làm thế nào để truyền đạt kiến thức cho các em, nâng cao chất lượng giáo dục. Cô Minh chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, trước hết phải có sự nhiệt tình của giáo viên, phải nghiên cứu sâu về giáo án, ứng dụng những công nghệ thông tin phục vụ cho việc dạy. Chúng tôi còn phải đi học thêm về tiếng địa phương ở đây để đáp ứng nhu cầu dạy học ở trong lớp”.

Lớp học vùng biên Đăk Long
Lớp học vùng biên Đăk Long

Là một trong 2 thầy giáo THCS đến với xã biên giới Đăk Long sớm nhất, từ năm 1988, thầy giáo Võ Kim Bình, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đăk Long cho biết, lúc đó toàn xã chỉ có 1 lớp 6 nhô, với 15 học sinh  trực thuộc Trường THCS xã Đăk Môn. Đến nay, sau 18 năm xây dựng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đăk Long đã có 12 lớp học, với gần 400 học sinh, trên 30 cán bộ giáo viên. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, 3 năm gần đây đã có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, trong năm học 2015-2016 đã có 2 học sinh giỏi cấp tỉnh. Thầy Bình nói: “Chúng tôi là những giáo viên ở vùng sâu, nhưng cũng không ngừng học tập, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, học đồng nghiệp, học các phong tục tập quán của nhân dân để gần gũi với nhân dân hơn”.

“Đội ngũ giáo viên thường xuyên xuống cơ sở, mặc dù địa bàn các thôn cách xa. Mặc dù khó khăn vậy, nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng cố gắng, không ngại khó khăn trong quá trình vận động học sinh ra lớp. Hiện tại được sự quan tâm của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, ngũ giáo viên cũng đảm bảo về công tác giảng dạy, con em ngày càng tiến bộ hơn so với những năm trước đây”. Ông A Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long ghi nhận.

Không chỉ được nhân dân quí mến, chính quyền địa phương ghi nhận, những gian nan, vất vả, sự hy sinh thầm lặng, miệt mài của đội ngũ cán bộ, giáo viên cho sự nghiệp giáo dục vùng biên đã được đền đáp. Thầy giáo Võ Kim Bình chi aser: “Hạnh phúc nhất của chúng tôi là những thời điểm khó khăn trước đây chúng tôi đã vượt qua, thì bây giờ để lại cho chúng tôi những kết quả là con em địa phương mình ở đây làm cán bộ rất nhiều rồi. Đặc biệt là cán bộ xã như là Phó Chủ tịch, rồi Phó Bí thư Đảng ủy. Đó là những lớp đầu tiên nhà trường đã đào tạo nên”.

Đây là nguồn cổ vũ, động viên để đội ngũ cán bộ, giáo viên ở xã Đăk Long tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển ổn định, bền vững nơi biên cương đất nước.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *