(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật. Qua đó, từng bước giúp cho người khuyết tật có nguồn thu nhập thường xuyên, vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Bị dị tật bẩm sinh, đôi chân không đi được, năm 2010, em Y Thanh (thôn Plei Lay, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ đi phẫu thuật phục hồi chức năng tại Đà Nẵng. Nhờ đó, em đã đi lại được bình thường và lập gia đình. Ngoài việc hỗ trợ phẫu thuật, em Y Thanh còn được Hội hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế gia đình. Y Thanh nói: “Năm 2011 em được Hội hỗ trợ cho con bò và mái vòm. Con bò em nuôi sinh sản được 4 con, em bán đi 2 con được 15 triệu để đầu tư mở quán. Sau đó vợ chồng cố gắng làm rồi dành dụm tiền mở thêm quán nét. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, nay vợ chồng em đã khá lên nhiều và không còn vất vả như trước nữa”.

Quán kinh doanh internet của vợ chồng Y Thanh
Quán kinh doanh internet của vợ chồng Y Thanh

Với vai trò là một tổ chức xã hội từ thiện của tỉnh, những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ vào Quỹ Vì người khuyết tật và trẻ mồ côi để giúp đỡ cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Riêng từ tháng 10/2016 đến nay, Hội đã vận động được trên 5,6 tỷ đồng; đồng thời tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu thiết yếu của các đối tượng khuyết tật để có hướng hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum cho biết: “Thời gian qua đã hỗ trợ được gần 7.300 lượt người hưởng thụ, các nội dung hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ về xe đạp, tặng học bổng cho trẻ mồ côi và khuyết tật đi học. Thứ hai đối với gia đình có người khuyết tật và hộ nuôi trẻ mồ côi thì hỗ trợ cây con giống để thực hiện sinh kế và hỗ trợ sửa chữa, làm nhà mới cho đối tượng; hỗ trợ xe lăn, xe lắc, làm đường tiếp cận cho người khuyết tật. Ngoài ra, còn tổ chức khám và chữa bệnh miễn phí cho đối tượng”.

Từ sự quan tâm, đồng hành của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, các đối tượng là người khuyết tật đã từng bước xóa bỏ tự ti, mặc cảm, nỗ lực lao động, sản xuất, nâng cao đời sống gia đình và vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Ông Nguyễn Duy Nam (thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) nói: “Từ ngày có dự án, chính quyền quan tâm hỗ trợ cho gia đình như bò, xe nước mía, trụ bê tông để làm giàn bầu, bí; heo để nuôi nái, thấy cuộc sống gia đình hiện nay cũng có việc làm. Tuy rằng gia đình khó khăn, nhưng cũng hạ quyết tâm để cải thiện đời sống”.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có khoảng 5.335 người khuyết tật, trong đó có 988 người khuyết tật rất nặng, trên 3.260 người khuyết tật nặng, và gần 1.100 người khuyết tật nhẹ. Thời gian tới, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác vận động, phấn đấu tạo nguồn quỹ hội từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/năm để tiếp tục hỗ trợ cho người khuyết tật. Bà Vũ Thị Minh Huệ cho biết: “Sắp tới ngoài việc tiếp tục vận động, kêu gọi thành lập quỹ tạo nguồn, thì chúng tôi coi trọng công tác tuyên truyền, vận động và tư vấn ý thức và kỹ năng sử dụng các nguồn hỗ trợ của Hội cho có hiệu quả đối với người khuyết tật. Đồng thời động viên, khuyến khích họ vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm và tự ti để hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội”.

Với những hoạt động thiết thực, hữu hiệu của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh thời gian qua, đã tạo điều kiện cho người khuyết tật có việc làm ổn định, vừa sức lao động, có thu nhập thường xuyên và đặc biệt đã giúp người khuyết tật ngày càng tự tin, vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *