(kontumtv.vn) – Với mục tiêu phát triển 3.300 ha cà phê bền vững, nâng cao sản lượng và giá trị cho cây cà phê, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, qua 3 năm triển khai Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân về canh tác cà phê theo hướng bền vững, giảm sự tác động lên môi trường.

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ chính, với tổng số vốn tương đương khoảng 301 triệu USD thực hiện từ năm 2015 – 2020. Định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là ĐBSCL và Tây Nguyên.

Hệ thống tưới cà phê tiết kiệm  nước
Hệ thống tưới cà phê tiết kiệm nước

Ở tỉnh Kon Tum, dự án được triển khai từ năm 2016 tại 17 xã của 3 huyện là Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông, quy mô 3.300 ha cà phê , có hơn 4.100 hộ tham gia. Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSat tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong 3 năm triển khai dự án, chúng tôi đã tập huấn cho 1.585 hộ với diện tích tham gia là 1.100 ha. Các hộ này tham gia tập huấn và đạt được tiêu chí bền vững khoảng 54% diện tích đạt bền vững. Song song với các hộ sản xuất bền vững là hỗ trợ công nghệ tưới tiết kiệm, hỗ trợ cơ sở hạ tầng như đường giao thông, sân phơi, nhà kho, máy móc, thiết bị trong quá trình sản xuất”.

Bên cạnh việc tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ hạ tầng thiết yếu, Dự án VnSat còn thúc đẩy việc thành lập các tổ chức mà thành viên là nông dân tham gia như hợp tác xã, tổ hợp tác. Ban Quản lý có trách nhiệm kết nối các tổ chức này với doanh nghiệp. Ông Võ Xuân Hường, Tổ hợp tác phát triển cà phê bền vững Bình Minh, huyện Đăk Hà nói: “Khi Dự án chuyển đổi cà phê bền vững về cho nông dân họ rất phấn khởi, vì người ta đã nhận thức được kiến thức khoa học kỹ thuật từ các công đoạn từ tái canh, tưới nước, chăm sóc, phân bón các thứ như trong hạng mục chăm sóc cây cà phê, bà con nắm được kiến thức cơ bản”.

Gia đình ông Nguyễn Tri Sáu (HTX Sản xuất nông nghiệp, Thương mại Sáu Nhung, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) là 1 trong 2 hộ đầu tiên được Dự án VnSat hỗ trợ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước theo hình thức 50:50. Có nghĩa là thiết bị công nghệ tưới tiết kiệm được đầu tư 140 triệu đồng, trong đó gia đình ông đầu tư 70 triệu đồng, còn lại 70 triệu đồng do dự án tài trợ. Ông Nguyễn Tri Sáu nói: “ Dự án VnSat rất quan trọng và thiết thực với bà con vì nó hỗ trợ 1 phần lớn cho người nông dân để chuyển đổi chuyên sâu. Ví dụ đầu tư 100 triệu dự án hỗ trợ 50% thì rất là tốt. Nhưng để hưởng quyền lợi và hoàn thành dự án đi vào thiết thực thì cần phải hiểu, nắm bắt được mình đang làm gì, dự án tốt cho mình đến đâu”.

Một điều đáng quan tâm, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã triển khai tại Kon Tum được 3 năm, nhưng khối lượng công việc mới chỉ đạt 50%; 2 năm còn lại, khối lượng công việc còn lại là rất lớn. Bà Dương Thị Thanh Lương cho biết: “Từ nay đến cuối dự án phải tập huấn trên 50% số hộ nông dân cũng như diện tích cà phê. Mục tiêu và nhiệm vụ chúng tôi đặt ra phải đẩy nhanh làm việc với các huyện, các xã, các tổ chức nông dân trong việc áp dụng sản xuất cà phê bền vững”.

Từ nay đến năm 2020 – năm kết thúc dự án, Dự án VnSat tỉnh Kon Tum sẽ đẩy nhanh việc hỗ trợ hạ tầng, thiết bị thiết yếu cho nông dân trồng cà phê như hỗ trợ làm đường vào khu sản xuất, hỗ trợ sân phơi, máy sấy, tạo mối liên kết giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra. Những hỗ trợ thiết thực này không ngoài mục đích sẽ tạo ra sự thay đổi về nhận thức của người nông dân trong canh tác cây cà phê, qua đó nâng cao chất lượng, sản lượng cà phê, bảo vệ môi trường và quan trọng là nâng cao thu nhập cho người nông dân một cách hữu ích.

Như Nguyệt – Xuân Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *