(kontumtv.vn) – Nội dung quy định về tự chủ đại học trong dự án Luật Giáo dục đại học được nhiều đại biểu đánh giá là điểm mở, tạo cơ hội cho các trường bứt phá.

Trước phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau củadự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ diễn ra vào sáng nay (6/11), các đại biểu Quốc hội cho rằng dự án luật có nhiều nội dung cần lưu ý.

Nội dung quy định về tự chủ đại học trong dự án luật được nhiều đại biểu đánh giá là điểm mở, tạo cơ hội cho các trường bứt phá, nâng cao cơ sở vật chất cho giảng dạy, nghiên cứu.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) cho rằng, đây là xu thế tất yếu mà các trường đại học trên thế giới đã áp dụng nhiều năm nay. Do vậy các trường đại học trong nước cũng cần thực hiện theo xu hướng này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở đào tạo.

y kien dai bieu truoc phien thao luan ve luat giao duc dai hoc hinh 1
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

“Nhà nước cần quan tâm chung trên tinh thần tạo ra được động lực để phát triển. Dần dần tập cho các trường, tạo cho các trường năng lực tự chủ. Về mặt nguyên lý để phát triển thì sự cạnh tranh là một trong những động lực cơ bản nhất cho tất cả các phát triển. Đây là một xu hướng, dù khó khăn ngay từ đầu, các trường cũng rất e dè, nhưng tôi nghĩ các trường sẽ ủng hộ và đây là hướng tạo ra năng lực thực sự cho các trường đại học, cho quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học” – đại biểu Hồ Thanh Bình cho biết.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương), cần có quy định rõ trong luật để đảm bảo tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không cấp kinh phí cho các trường đại học. Theo đó, làm rõ việc cấp kinh phí cho nhiệm vụ gì và theo lộ trình nào? Các trường Đại học tự chủ như thế nào để hướng tới mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra lực lượng lao động tri thức đáp ứng yêu cầu thực tế của nền kinh tế – xã hội.

“Nhà nước tham gia một phần ngân sách, còn một phần nữa anh phải tự hoạt động để tạo ra thêm và cộng lại giữa Nhà nước và xã hội hóa này sẽ tạo ra nguồn kinh phí dồi dào để có thể giải quyết được những vấn đề yêu cầu đơn vị đó đặt ra. Giữa các trường sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau để trở thành trường có đông học sinh, sinh viên ra trường được, thị trường lao động tiếp nhận” – đại biểu Vũ Trọng Kim nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) quan tâm đến vấn đề thiết kế mô hình tổ chức của trường đại học, đặc biệt là đại học tư thục. Trong dự thảo luật quy định tại điều 16a về quyền hạn nhà đầu tư, cũng như cách thức thiết kế có đưa ra 2 phương án. Một là các nhà đầu tư có quyền thành lập tổ chức kinh tế, sau đó thì thành lập cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời có thể chấp nhận cách thứ 2 là nhà đầu tư có thể trực tiếp thành lập các cơ sở giáo dục đại học mà không cần thành lập tổ chức kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu ý kiến: “Nếu nhà đầu tư trực tiếp thành lập các cơ sở giáo dục đại học mà không thành lập các tổ chức kinh tế sẽ dẫn đến việc có sự lẫn lộn giữa các quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục với các quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều này giao cho các cơ sở giáo dục tự làm thì không đảm bảo tính minh bạch. Bởi lẽ thiết kế của luật Doanh nghiệp rất rõ là chức năng nhiệm vụ của hội đồng quản trị cũng khác với chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường. Chức năng, nhiệm vụ của giám đốc cũng khác với chức năng hiệu trưởng”./.

Nguyên Nhung- Minh Hường/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *