(kontumtv.vn) – Tại lễ kỷ niệm 60 năm y tế dự phòng, ngày 5/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần nhận thức đúng, đầy đủ vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực làm y tế dự phòng với ý nghĩa là “cái gốc” của y tế từ quá trình đào tạo đến cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế phải phân tích rõ thuận lợi, bất cập của y tế dự phòng

hiện nay. Ảnh: VGP/Đình Nam

Với quan điểm “Y tế dự phòng tích cực, chủ động” của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, ngành y tế dự phòng đã phát triển theo hướng toàn diện, chăm sóc sức khỏe, lấy con người làm trung tâm, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Những năm qua, hệ thống y tế dự phòng đã phát triển đồng bộ, với các đơn vị chuyên ngành được trang bị hiện đại, đội ngũ cán bộ được đào tạo đủ năng lực đáp ứng với các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi cũng như nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các biện pháp dự phòng tiên tiến.

Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh; đạt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV, sốt rét, giảm suy dinh dưỡng trẻ em… Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững tại 100% xã, phường đã góp phần giảm mắc hàng trăm, hàng nghìn lần các bệnh có vaccine phòng ngừa; thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm.

Những thách thức lớn mà ngành y tế dự phòng đang đối mặt là tác động của mặt trái quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, già hóa dân số; các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi. Bên cạnh đó, ngành y tế dự phòng còn phải kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, trọng tâm là vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những thành tựu cũng như thách thức của ngành y tế đang phải đối mặt, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức về phòng bệnh và chữa bệnh. Bởi có những lúc do sức ép của bệnh tật nên chính sách, kinh phí dành cho khám chữa bệnh được tập trung nhiều hơn cho các bệnh viện dù ai cùng biết tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở.

“Từ năm 2008, Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách y tế cho dự phòng nhưng hầu như tất cả các địa phương chỉ dành tỷ lệ 20-25% cho công tác này. Một thực tế khác là hiện nay 70% gánh nặng điều trị đến từ các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến tim mạch, tiểu đường… nhưng mới chỉ có 12% kinh phí y tế dự phòng dành cho các nhóm bệnh này, còn phần lớn dành cho những bệnh lây nhiễm”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng phải nhìn nhận đầy đủ những bất cập của y tế dự phòng hiện nay.

Vì vậy, ngành y tế phải rà soát lại toàn bộ từ hệ thống tổ chức y tế dự phòng so với các nước khác từ hoạt động thường quy đến cách thức vận hành, kết nối mạng lưới các trung tâm kiểm soát dịch bệnh.

Đề nghị lãnh đạo ngành y tế phải phân tích rõ thuận lợi, bất cập của y tế dự phòng hiện nay, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Phải chăng ngân sách Trung ương và nguồn lực nhà nước nên tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh cần huy động tối đa các nguồn lực khác, từ đó xem xét việc phát triển, sử dụng kinh phí của bảo hiểm y tế dành cho y tế dự phòng”.

Phó Thủ tướng cho rằng cần nhận thức đúng, đầy đủ vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực làm y tế dự phòng với ý nghĩa là “cái gốc” của y tế từ quá trình đào tạo đến cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạngNhì

cho Cục Y tế dự phòng. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, không chỉ bất cập của y tế dự phòng mà toàn bộ ngành y tế cần nhìn thẳng vào những hạn chế, khó khăn để đổi mới đồng bộ, toàn diện nhằm sử dụng tốt nhất hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực của cả hệ dự phòng, điều trị ở cơ sở công lập và ngoài công lập. Từ y, bác sĩ đến các lương y, toàn xã hội, từng người dân, từng phong trào tập luyện sức khỏe ở cơ sở trong công tác y tế dự phòng.

Nhắc đến quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới hệ thống y tế cơ sở với trên 14.000 trạm y tế xã, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở: Có một tỷ lệ rất lớn các trạm y tế cơ sở không được khai thác đúng, hết năng lực. Nhiều cán bộ y tế cơ sở chưa được giao nhiệm vụ để học tập, làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.

“Ở đây có một phần rất lớn từ cơ chế. Việc tổ chức cứng nhắc theo cấp hành chính khiến nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa người dân phải đi cả ngày đường mới đến được trạm y tế xã. Còn ở đồng bằng, trạm y tế xã được xây dựng khang trang dù người dân có thể đi thẳng đến bệnh viện trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ 10-15 phút”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị ngành y tế phải dũng cảm nhìn nhận thực tế nhằm đề ra những giải pháp đổi mới thực sự tâm huyết. Bởi “đổi mới luôn luôn là một quá trình cọ xát và đòi hỏi chúng ta thực sự hết sức tâm huyết và dũng cảm, đào sâu suy nghĩ để hệ thống y tế đáp ứng được yêu cầu, phù hợp với tình hình mới, với xu thế thế giới”.

Phó Thủ tướng tin tưởng phát huy truyền thống 60 năm vẻ vang, với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự đoàn kết nhất trí, nhiệt huyết đổi mới, năng động sáng tạo nhất định hệ thống y tế dự phòng nói riêng và ngành y tế nói chung, sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp ngày càng quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Cục Y tế dự phòng.

Bộ Y tế trao tặng, truy tặng Giải thưởng Đặng Văn Ngữ đợt I cho 20 tập thể, 99 cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác y tế dự phòng và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *